Do sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc, từ đầu tháng 10/2023 đến nay, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc tăng nhẹ, hiện giá thu mua dao động ở mức 1.950-2.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 9/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam tăng tháng thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu được 262.830 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 122,89 triệu USD, so với tháng 9/2022 tăng 35,7% về lượng và tăng 40,4% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 467,6 USD/ tấn, tăng 0,2% so với tháng 8/2023 và tăng 3,4% so với tháng 9/2022.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,13 triệu tấn, trị giá 891,77 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Do sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc, từ đầu tháng 10/2023 đến nay, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc tăng nhẹ, hiện giá thu mua dao động ở mức 1.950-2.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.300-2.400 đồng/kg. Giá sắn tươi (trữ bột 30%) thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.700-3.950 đồng/kg; Tại Đăk Lăk giá dao động ở mức 3.400- 3.700 đồng/kg; Tại Gia Lai dao động ở mức 3.600- 4.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, sắn lát nội địa và xuất khẩu không được giao dịch nhiều và giá giảm do giá ngô xuống rất thấp. Theo dự báo, nguồn cung sắn lát vụ tới sẽ dồi dào hơn vụ 2022/23, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc không cao.
Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 545-560 USD/tấn FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh do nguyên liệu thiếu và giá ở mức khá cao. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.300-4.500 CNY/tấn.
Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 285 USD/tấn FOB Quy Nhơn; trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 325 USD/tấn FOB Quy Nhơn.
Trong tháng 9/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 96,46% về lượng và chiếm 95,68% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 253.520 tấn, trị giá 117,58 triệu USD, so với tháng 9/2022 tăng 47,7% về lượng và tăng 50,6% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 463,8 USD/ tấn, tăng 0,4% so với tháng 8/2023 và tăng 1,9% so với tháng 9/2022.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,94 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 804,94 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, các tháng cuối năm 2023 là mùa tiêu thụ cao điểm các mặt hàng thực phẩm của Trung Quốc, sẽ tác động tốt đến triển vọng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang thị trường này.
Trên thực tế, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2023. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2023, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 419.260 tấn, trị giá 113,77 triệu USD, tăng 28,7% về lượng và tăng 13,6% về trị giá so với tháng 8/2022.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 4,76 triệu tấn sắn lát với trị giá 1,31 tỷ USD, giảm 19,9% về lượng và giảm 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, Campuchia,…; trong khi nhập khẩu từ Thái Lan và Lào đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Thái Lan, nhưng sắn và tinh bột sắn của Thái Lan vẫn chiếm tới 87,81% tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 569.880 tấn, trị giá 155,52 triệu USD, tăng 12,3% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,96% về lượng và chiếm 12,86% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với mặt hàng tinh bột sắn, tháng 8/2023, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 234.100 tấn, trị giá 128,18 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 6% về trị giá so với tháng 8/2022. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào, Campuchia và Ghana là các thị trường cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Trừ Việt Nam và Lào, nhập khẩu tinh bột sắn từ các thị trường này đều tăng mạnh so với tháng 8/2022.
Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,92 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 941,69 triệu USD, giảm 32,5% về lượng và giảm 36,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia.
Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam giảm mạnh, với 605.210 tấn, trị giá 284,32 triệu USD, giảm 45,6% về lượng và giảm 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 31,55% về lượng và chiếm 30,19% về trị giá, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào và Indonesia so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần tinh bột sắn của Lào chiếm 8,74% về lượng và chiếm 7,8% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Khánh Nguyên (Dân Việt)