Ngân hàng Thế giới (World Bank) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 2,1%, nhưng cho rằng tình hình vẫn đang bấp bênh.
Báo cáo mới nhất của World Bank đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu tốt hơn so với ước tính trước đây, nhờ chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ ổn định và Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn dự kiến vào giai đoạn đầu năm.
Triển vọng năm 2023 được cải thiện phần nào cũng phù hợp với các dữ liệu khác cho biết Mỹ và phần lớn châu Âu đến giờ đã tránh được suy thoái kinh tế mà nhiều chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra năm nay.
Tuy vậy, so với tăng trưởng năm ngoái đạt 3,1%, kinh tế năm nay vẫn giảm tốc. Ở các nền kinh tế tiên tiến, tốc độ tăng trưởng năm nay dự kiến là 0,7%, giảm so với mức tăng 2,6% của năm 2022. GDP Mỹ năm 2023 cũng dự báo tăng 1,1%, sau khi tăng 2,1% năm trước. Trong khi, GDP eurozone được dự báo là 0,4%, so với mức 3,5% năm ngoái.
Các thị trường mới nổi và đang phát triển – EMDE – (không gồm Trung Quốc) dự kiến tăng trưởng 2,9% năm nay, giảm từ mức 4,1% của năm ngoái. Indermit Gill, Kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của World Bank Group cho biết áp lực nợ nần do lãi suất ngày càng cao đang tăng ở những thị trường này.
Cùng với đó, thương mại sẽ tăng trưởng với tốc độ chưa bằng một phần ba so với những năm trước đại dịch. Những yếu kém về tài chính đã đẩy nhiều quốc gia có thu nhập thấp vào cảnh túng quẫn vì nợ nần. “Nền kinh tế toàn cầu vẫn ở trong tình trạng bấp bênh”, ông đánh giá.
Triển vọng cho năm 2024 thậm chí còn thấp hơn, theo World Bank. Tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc xuống 0,8% vào năm sau. Các cú sốc chồng chéo gây ra bởi đại dịch, xung đột Ukraine và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt tạo ra một trở ngại lâu dài đối với sự phát triển của các EMDE.
Đến cuối năm 2024, tăng trưởng ở các nền kinh tế này dự kiến thấp hơn khoảng 5% so với mức từng được dự đoán trước khi Covid-19 xuất hiện. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là những nước nghèo nhất, thiệt hại là rất lớn. Hơn một phần ba các nước này sẽ có thu nhập bình quân đầu người vào năm sau thấp hơn mức của năm 2019.
“Nhiều nền kinh tế đang phát triển hiện tại phải vật lộn để đối phó với tình trạng tăng trưởng yếu, lạm phát cao liên tục và mức nợ kỷ lục”, Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng World Bank Group nói. Những nguy cơ mới như căng thẳng tài chính ở các nước phát triển có thể khiến những nước nghèo chật vật hơn.
Theo báo cáo, lãi suất tăng đã làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của các nền kinh tế có thu nhập thấp (đây là những nền kinh tế có tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người được tính bằng phương pháp Atlas của World Bank từ 1.085 USD trở xuống). Nợ công hiện nay trung bình khoảng 70% GDP nhóm nước này. Trong đó, 14 quốc gia đã hoặc đang có nguy cơ cao lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.
Phiên An (vnExpress.net)