Thị trường tốt dần lên
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như nhiều DN chế biến, XK cá tra cho thấy, hiện nay tất cả các thị trường XK cá tra đang tốt dần lên; từ đó kéo giá cá tra thương phẩm lên mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cần Thơ chia sẻ: tại Cần Thơ, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài nhiều cơ sở đã tạm dừng/thay đổi đối tượng nuôi, trong khi số cơ sở còn lại nuôi cầm chừng cho nên lượng cá nguyên liệu (kích cỡ 0,8-1 kg/con) cung cấp cho thị trường XK không nhiều. Nguồn hàng khan hiếm, đa số cá đang có kích cỡ 0,5-0,7 kg/con. Ở quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, một số hộ nuôi có cá đạt kích cỡ thu hoạch nhưng vẫn chưa xuất bán khi giá đang tăng mạnh. Còn ở quận Ô Môn, một số ít hộ đang xuất bán.
“Từ đầu năm đến nay, giá cá tra tăng rất cao. Đây là cơ hội để người dân, DN tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất”, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) đánh giá.
Ngành cá tra đặt mục tiêu xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD năm 2022. Ảnh: N.Thanh |
Nhìn nhận về cơ hội XK cá tra trong cả năm 2022, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP phân tích: “Thị trường NK phục hồi, tăng trưởng tốt. Trong đó, có nhóm 4 thị trường chính gồm Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (13%) và EU (6,6%) đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Dự báo, XK cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021; giá cá tra XK sẽ tăng khoảng 5%”.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định: năm 2022 -2023 sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá XK cá tra. Sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022-2023. Giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.
Lưu ý cân bằng cung-cầu
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi cho phát triển ngành cá tra trong năm nay, ông Nhữ Văn Cẩn cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức. Về thời tiết, khí hậu, các tháng mùa khô năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mêkông về ĐBSCL khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tập trung trong khoảng tháng 2 đến tháng 4. Nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh.
Ở góc độ thị trường, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục XK vào các thị trường EU, Mỹ,… Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường NK đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng. “Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại cũng là điều phải lưu ý,” ông Nhữ Văn Cẩn nói.
Cho rằng song hành cùng cơ hội vẫn còn thách thức đặt ra với ngành cá tra, bà Tô Tường Lan nhấn mạnh: các cơ quan hữu quan ngành thủy sản và đối tác tham gia chuỗi sản xuất cần đánh giá và định hướng người nuôi. Đó là cân bằng cung-cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra. “Sau dịch Covid-19, hoạt động sản xuất tuy phục hồi nhưng dịch bệnh chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho chuỗi cung ứng. Chi phí sản xuất, vận chuyển leo thang, tình hình vận tải biển vẫn cần có giải pháp tích cực…”, bà Lan nói.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cảnh báo, có thể có hiện tượng một số DN thấy tình trạng khan hiếm cá tra nên đã nâng giá thu mua lên nhằm kích thích để người nông dân đẩy mạnh nuôi. Khi nông dân nuôi nhiều, dẫn đến cung vượt cầu khiến giá sụt giảm, DN sẽ hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp…
Tương tự, ông Nhữ Văn Cẩn cũng cho rằng, trước tình hình giá cá tra tăng như hiện nay, ngành chức năng địa phương cần kiểm soát chặt cung-cầu, nghĩa là sản lượng cá tra nguyên liệu không vượt quá nhu cầu thị trường. “Không nên nuôi cá tra ồ ạt và kiểm soát tốt chất lượng cá tra giống ở ĐBSCL trong thời gian tới”, ông Cẩn nói.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ đề xuất thời gian tới cần tiếp tục thực hiện việc cấp mã số ao nuôi nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, góp phần ổn định sản xuất thông qua việc cân đối cung-cầu; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, các DN chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia NK, sẵn sàng XK ngay khi có thời cơ.
Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), giá bán cá tra giống hiện nay đang dao động khoảng 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Trong khi đó, giá bán cá tra thương phẩm hiện dao động trong khoảng 29.500-30.000 đồng/kg (size cá từ 0,8 đến > 1,2kg), tăng 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021.Năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch XK đạt trên 1,6 tỷ USD. |
Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)