Sau ít nhất 2 năm liên tiếp, XK cá tra sang EU giảm sút, số lượng DN Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng. Trước khi dịch Covid-19 đến tâm điểm Châu Âu thì XK cá tra sang khối thị trường này đã bộc lộ nhiều điểm thiếu hấp dẫn khi nhiều tháng liên tiếp tăng trưởng XK rơi xuống mức âm. Nhưng bắt đầu từ năm 2022, có những hi vọng trở lại ở thị trường này.
Cho đến nửa đầu tháng 2/2022, tổng giá trị XK cá tra sang EU đạt 20,2 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng lạc quan nhất sau nhiều tháng chững hoặc sụt giảm sâu.
Hiện nay, Hà Lan, Bỉ, Đức và Tây Ban Nha là 4 thị trường XK cá tra đơn lẻ lớn nhất trong khối của các DN thủy sản Việt Nam. Trong đó, Hà Lan là thị trường lớn nhất chiếm 36,6% tổng giá trị XK sang thị trường này.
Cách đây hơn 10 năm, EU là thị trường XK cá tra truyền thống và lớn nhất của các DN XK Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lên tới thời điểm “hoàng kim” vào những năm 2016-2018 thì XK cá tra sang EU bắt đầu chững và giảm dần.
Sau khi ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều nhà NK cho biết họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistic, chi phí vận chuyển… tăng đáng kể. Nhiều khách hàng EU đã chủ động đề nghị được giảm mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký hoặc sắp sửa ký. Thêm nữa, các nhà NK theo phương thức FOB bị khó khăn do chi phí vận chuyển đường biển cao, giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định, tuy nhiên nhiều nhà NK dè dặt mua hàng.
Do khách hàng EU yêu cầu cao hơn nhưng giá mua lại không mấy hấp dẫn nên năm 2021, nhiều DN vốn XK mạnh sang EU đã chuyển sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ai Cập, Colombia, Thái Lan. Đó cũng là lý do khiến cho giá trị XK cá tra sang EU giảm liên tiếp.
Đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang EU đang tăng trưởng dương tích cực trở lại, đó là hi vọng cho nhiều DN muốn quay trở lại thị trường này. Cho dù, trong nhiều tháng qua, giá trị XK cá tra sang nhiều nước Châu Âu bị giảm sút hoặc gián đoạn nhưng đây vẫn được coi là thị trường lớn và quan trọng của các DN Việt Nam.
Thị trường | Q1 | Q2 | Q3 | Q4 | Năm 2021 | Năm 2020 | ↑↓% |
Tây Ban Nha | 197.009 | 196.701 | 182.422 | 212.652 | 788.784 | 775.241 | 1,75 |
Pháp | 153.487 | 159.310 | 140.839 | 172.382 | 626.018 | 632.586 | -1,04 |
Đức | 192.427 | 180.851 | 169.922 | 172.119 | 715.319 | 753.478 | -5,06 |
Bồ Đào Nha | 71.786 | 107.013 | 84.267 | 79.804 | 342.870 | 342.642 | 0,07 |
Lithuania | 30.149 | 24.971 | 20.706 | 25.437 | 101.263 | 100.982 | 0,28 |
CH Czech | 11.217 | 7.132 | 7.978 | 12.003 | 38.330 | 29.220 | 31,18 |
Latvia | 9.324 | 4.728 | 7.370 | 9.043 | 30.465 | 30.851 | -1,25 |
Hy Lạp | 7.022 | 4.316 | 5.709 | 8.194 | 25.241 | 22.175 | 13,83 |
Estonia | 2.125 | 3.256 | 3.262 | 2.422 | 11.065 | 10.768 | 2,76 |
Iceland | 768 | 2.819 | 2.357 | 297 | 6.241 | 7.154 | -12,76 |
Tạ Hà (Vasep)