Ngành cá tra năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng về sản lượng ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc trong khi ở EU sẽ tương đương cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng và giá bán tôm dự báo hồi phục ở thị trường Nhật với mức nền thấp và tiền lương tại Nhật tăng.
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo ngành cá tra năm 2024 có thể tăng trưởng về sản lượng ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong khi EU sẽ tương đương cùng kỳ.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ, sản lượng năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng do nền kinh tế hồi phục và mức nền thấp 2023.
Cơ hội cho cá tra từ việc Mỹ cấm nhập khẩu cá Minh Thái (pollock) là không đáng kể khi sản lượng cá Minh Thái xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và sản lượng đánh bắt cho phép tại khu vực biển Bering dự báo tương đương năm ngoái, theo Cơ quan Cá biển Quốc gia tại Mỹ (NFMS).
Từ đó, VDSC nhận thấy Mỹ sẽ khó thiếu nguồn cung cho cá Minh Thái. Giá bán vào Mỹ năm 2024 kỳ vọng tương đương cùng kỳ khi phải cạnh tranh giá với cá rô phi do nguồn cung cá rô phi dự kiến tăng cao.
Với thị trường EU, sản lượng và giá bán kỳ vọng tương đương cùng kỳ khi phải cạnh tranh với nguồn cung dồi dào của cá Minh Thái.
EU áp thuế nhập khẩu 13,7% kể từ tháng 1/2024 cho đến năm 2026 cho sản phẩm cá Nga nhưng áp lực cung lớn của cá Minh Thái Nga khi bị chặn xuất khẩu vào Mỹ và dự báo sản lượng cho phép đánh bắt của Minh Thái Nga tăng 27% trong năm nay khiến giá cá Minh Thái vào EU sẽ duy trì mức thấp. Theo đó, giá nhập khẩu cá Minh Thái có thể không chênh lệch đáng kể so với cá tra.
Ở thị trường Trung Quốc, sản lượng cá tra sang Trung Quốc năm 2024 kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt khi nền kinh tế TQ cải thiện, tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng do sự cạnh tranh về giá với cá lóc và cá rô phi vẫn cao khi người dân vẫn còn quan tâm về giá.
Nhóm phân tích cũng đưa ra dự báo về ngành tôm. Ở thị trường Nhật Bản, sản lượng và giá bán tôm kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024 khi tiền lương tại Nhật tăng, đồng yen mạnh lên nhờ BOJ đảo ngược chính sách tiền tệ và mức nền so sánh thấp của năm 2023.
Thị trường Nhật Bản được xem là thị trường cạnh tranh thấp nhất đối với ngành tôm Việt Nam do Nhật ưa chuộng tôm giá trị giá tăng, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam) trong khi Ecuador và Ấn Độ xuất khẩu chính là tôm nguyên liệu.
Với thị trường Trung Quốc và Mỹ, sản lượng tăng trưởng nhờ nền kinh tế phục hồi trong khi giá bán tương đương cùng kỳ do áp lực cạnh tranh về tôm nguyên liệu còn cao do nguồn cung dự đoán tăng trở lại.
Theo VDSC, mức độ tăng trưởng sản lượng của Việt Nam vào các thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào kết quả sơ bộ thuế CBPG của Mỹ lên các nước Ấn Độ và Ecuador vào tháng 4.
Bên cạnh đó, theo Undercurrentnews, ngày 27/3 đã có thông tin sơ bộ về thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Theo đó, Việt Nam/Ecuador/Ấn Độ phải tạm đặt cọc lần lượt là 2,84%/7,55%/0% cho thuế chống trợ cấp. Thông tin chưa được đăng tải chính thức trên Công bố liên bang (Federal Register) nhưng nếu đúng thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa đánh đổi giá bán để tăng sản lượng hoặc ngược lại.
Hai tháng đầu năm, sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 77% so với cùng kỳ và giá bán trung bình hai tháng đã tăng 91% nhờ nguồn cung Ecuador giảm do dư lượng chất sulfite vượt mức cho phép và giá cước tăng. Tuy nhiên, VDSC cho rằng đây chỉ là yếu tố ngắn hạn do nguồn cung Ecuador sẽ sớm tăng trở lại khi kiểm soát được dư lượng chất sulfite và giá cước cũng đã giảm dần.
Nhóm phân tích cũng dự báo thị trường EU khó tăng trưởng về sản lượng và giá bán khi mức độ cạnh tranh cao và nền kinh tế EU còn khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường EU còn đòi hỏi cao như tôm đạt chuẩn an toàn (ASC), truy xuất nguồn gốc, có giải pháp giảm phát thải và phúc lợi động vật.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại EVFTA với thuế nhập khẩu giảm dần chưa mang lại nhiều hiệu quả khi cạnh tranh ở thị trường EU 27. Năm 2023, thị phần về lượng Việt Nam xuất sang EU 27 đã giảm từ 11% về 8% trong khi Ecuador đã tăng từ 28% lên 31%.
Anh Đào (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)