Ước tính tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021, tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá.

Xuất khẩu sắn đột ngột tăng mạnh
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đang có xu hướng tăng trở lại.

Ước tính tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021, tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá.

Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970 nghìn tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, tinh bột sắn được xuất khẩu nhiều nhất với 328,89 nghìn tấn, trị giá 164,2 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, giảm 21,8% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Philippines…

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài sản xuất ethanol, với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Nam Mỹ gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao bởi ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine.

Hiện, sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên hơn 65% sản lượng xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.

Trong khi, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới cả một ngành sản xuất.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch.

“Mặt khác, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện đề án xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sắn Việt Nam”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Tại thị trường nội địa, cuối tháng 3/2022, giá sắn lát có xu hướng tăng trở lại tại hầu hết các tỉnh, giá tinh bột sắn thành phẩm tăng từ 100-200 đồng/kg. Tại Tây Ninh, một số nhà máy tiếp tục tăng giá thu mua sắn để phục vụ cho sản xuất.

Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)