VASEP cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III thay vì phục hồi như những dự báo trước đây. Điều này có thể tác động đến đà phục hồi của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) từ cuối năm 2022, ngành thủy sản đã được dự báo có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều.
Những kết quả cụ thể đã cho thấy sự sụt giảm liên tục của xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm 2023. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022.
Các thị trường trọng điểm ghi nhận mức giảm sâu 10-50%, trong đó Mỹ giảm mạnh nhất với hơn 50%; EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm hai con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất.
Tại thị trường Mỹ, lạm phát gia tăng kèm theo những động thái lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của nước này, gián tiếp tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trong tháng 5, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này kết thúc chính sách “Zero COVID” do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản.
Sự suy giảm của thị trường Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến các thị trường khác, đặc biệt là Đức, đối tác lớn của Trung Quốc và cũng là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Sự suy giảm của Đức cũng đem đến nhiều khó khăn cho các nước khác trong khu vực EU.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn một năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.
Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III thay vì phục hồi như những dự báo trước đây.
Bên cạnh những khó khăn từ thị trường nhập khẩu, những mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều áp lực. Theo đó, tôm của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá thành với tôm Ecuador, Ấn Độ.
Trong khi hiệu quả nuôi cá tra cũng sa sút khi chi phí thức ăn tăng cao, nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Còn thẻ vàng IUU trong hải sản khai thác tiếp tục là hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy hải sản.
Dù vậy, VASEP cho rằng những con số trên chưa phải cơ sở đầy đủ để nhận định xu hướng của những tháng tới, doanh nghiệp vẫn có thể hy vọng ở góc độ thị trường trong nửa cuối năm.
Hiện, lượng tồn kho giảm dần, mùa du lịch, mùa lễ hội cuối năm và các chương trình kích cầu ở các thị trường có thể sẽ thúc đẩy lượng nhập khẩu tăng dần lên trong những tháng tới.
Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)