Chuyên gia ngân hàng Rabobank cho rằng thị trường khó lòng phục hồi trong năm 2023 nếu giá bán lẻ không giảm do tồn kho vẫn ở mức cao, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và các vấn đề trong ngành bất động sản tác động tiêu cực đối với thị trường.
Trang Undercurrent News dẫn lời ông Gorjan Nikolik, trưởng bộ phận phân tích thuỷ sản tại Rabobank nhận định thị trường tôm toàn cầu tiếp tục đối mặt với những vấn đề dư cung kéo dài đến nửa cuối năm 2023.
Ông Nikolik cho biết việc giá bán lẻ tại Mỹ không giảm, còn tại EU mức giảm không đáng kể đồng nghĩa với việc nhu cầu của người tiêu dùng khó lòng phục hồi, mặc dù giá bán buôn giảm.
Ông nói, điều này thực sự đáng lo ngại vì sự phục hồi của thị trường tôm toàn cầu phụ thuộc vào việc các nhà bán lẻ có giảm giá để kích cầu hay không.
“Từ đầu năm đến nay, các nhà bán lẻ Mỹ không giảm giá bán tôm hoặc nếu giảm thì cũng rất ít. Do đó, để thị trường phục hồi, điều đầu tiên cần làm là giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là sau khi giảm giá thì mất bao lâu để nhu cầu phản ứng trở lại. Khả năng nhu cầu phục hồi trong năm nay vẫn còn là ẩn số. Vẫn chưa có tín hiệu các nhà bán lẻ giảm giá”, ông Nikolik nói.
Ông Richard Barry, Giám đốc các chương trình thuộc Viện Nghề cá Quốc gia Mỹ cho biết các nhà bán lẻ đang được hưởng tỷ suất lợi nhuận lên tới 40%. Ông cho biết tình hình này “rất khó chịu” đối với các nhà xuất khẩu do nhu cầu tôm của Mỹ bị ánh hưởng khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với mặt hàng đắt tiền hơn.
Ông Nikolik tin rằng thị trường khó lòng phục hồi trong năm 2023 nếu giá bán lẻ không giảm do tồn kho vẫn ở mức cao, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và các vấn đề trong ngành bất động sản tác động tiêu cực đối với thị trường.
Kết quả là giá tôm thu mua tại bờ thấp ở tất cả quốc gia xuất khẩu như Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador…
Riêng thị trường Trung Quốc, giá tôm tại bờ cao hơn do được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm.
Cui He, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Chế biến Thuỷ sản Trung Quốc, nhận định nhập khẩu tôm của nước này sẽ không tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm 2023.
Ông cho rằng tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự kiến vượt qua năm 2022 nhưng có khả năng vẫn dưới mức 1 triệu tấn.
“Nhu cầu từ Châu Âu và Mỹ giảm trong khi sản lượng từ Nam Mỹ đang tăng lên. Là một trong ba thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, tình hình bán hàng tại Trung Quốc cũng không được kỳ vọng có nhiều thay đổi đáng kể”, ông Cui nói.
Đối với các quốc gia xuất khẩu tôm, ông Cui cho rằng sẽ mất khoảng 2 năm để giá phục hồi trở lại.
Ông Nikolik nói: “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi những tín hiệu tích cực nếu Trung Quốc tung ra gói kích thích nền kinh tế khổng lồ. Tuy nhiên, nếu gói này không được tung ra, nhu cầu tôm của Trung Quốc sẽ vẫn ở mức thấp”.
Trong khi đó, sản lượng tôm của Ấn Độ được dự báo sẽ chỉ giảm trong nửa cuối năm nay. Cả năm 2023, sản lượng tôm của Ấn Độ có thể giảm 10 – 15%.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm Ecuador có thể chậm lại, quan mức 10% trong nửa cuối năm, giảm so với mức 20% của nửa đầu năm. Tính chung cả năm nay, sản lượng tôm của Ecuador được dự báo tăng 12-13%.
Sản xuất tôm Việt Nam – chủ yếu tập trung vào sản phẩm chế biến chất lượng cao, cũng phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường như Nhật bản Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, giá tôm mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với cùng sản phẩm chế biến của Trung Quốc.
Ông Nikolik cho rằng các nhà sản xuất vẫn đang tái thả giống, điều này có thể khiến tình trạng dư cung trầm trọng hơn.
“Ngay cả khi các nước sản xuất tôm nhận thấy rằng nguồn cung đang dư thừa và họ giảm giá bán buôn nhưng sản lượng vẫn ở mức bằng hoặc cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Vì vậy, các nhà sản xuất cần thời gian để thực sự phản ứng lại với thị trường. Do đó, chúng tôi cho rằng giá không thể phục hồi trước cuối năm 2023”, ông nói.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)