Giá heo hơi hơi liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng, điều này làm dấy lên lo ngại về mức độ khả thi của mục tiêu tăng trưởng đàn heo cả nước trong năm 2024.
Đâu là yếu tố quyết định tăng trưởng đàn heo?
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, năm 2023, tổng đàn heo cả nước ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với năm 2022, với sản lượng thịt đạt gần 4,7 triệu tấn. Trong năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu sản lượng thịt heo tăng 4% lên gần 4,9 triệu tấn.
Tuy nhiên, bối cảnh giá heo hơi hơi liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng đã làm dấy lên lo ngại về mức độ khả thi của mục tiêu này. Tính đến năm 2023, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm khoảng 50% so với năm 2021 xuống khoảng 2 triệu hộ.
Theoông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tỷ trọng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo báo cáo chính thức là khoảng 45% nhưng trên thực tế có thể thấp hơn, khoảng 30% tương đương 1,7 triệu hộ. Ngoài nguyên nhân thua lỗ, số liệu hộ nhỏ lẻ giảm còn do luật chăn nuôi mới.
Theo đó, với những hộ có quy mô 10 đơn vị chăn nuôi trở lên được coi là trang trại. Mỗi đơn vị chăn nuôi tương đương 500 kg thịt quy đổi, khoảng 5 con heo thịt. Như vậy, trang trại quy mô khoảng 50 con sẽ được coi là trang trại. Do đó, hiện tại doanh nghiệp và các trang trại đang chiếm khoảng 70% thị phần.
Ông Trọng cho rằng việc số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng sản lượng. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các trang trại mới là yếu tố quyết định đến tăng trưởng sản lượng heo.
“Phải nói rằng dịch tả heo châu Phi là một cuộc cách mạng. Những cơ sở nào không đủ điều kiện chăn nuôi thì sẽ tự bị đào thải. Tăng trưởng sản lượng phần lớn sẽ do doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp quyết định”, ông Trọng nói.
Nhận định về kế hoạch tăng sản lượng năm 2024 của toàn ngành, ông cho rằng đó là hoàn toàn khả thi. Theo ông lý giải, năng suất nuôi của nước ta đã cao hơn trước. Mỗi năm, Việt Nam xuất chuồng trung bình khoảng 50 triệu con heo và năng suất tăng dần.
Ví dụ năm 2018, cả nước xuất chuồng khoảng 50 triệu con heo nhưng lúc đo chỉ tương đương 3,8 triệu tấn. Đến năm 2023, lượng heo xuất chuồng chỉ hơn 50 triệu con một chút nhưng sản lượng đã tới 4,7 triệu tấn.
Tương tự với con nái. Trước khi dịch xảy ra, lượng con nái 3,9 – 4 triệu con nhưng giờ khoảng 2,9 triệu con. Tuy nhiên, số lượng này vẫn đủ đảm bảo được lượng xuất chuồng trên 50 triệu con heo thịt mỗi năm. Nguyên nhân là năng suất đẻ của heo nái đã tăng lên. Trước đây, 1 con nái sinh sản 13 -14 con heo thịt thì giờ đã trên 20 con.
Chăn nuôi mô hình nông hộ sẽ mất dần
Chuyên gia của Cục chăn nuôi cho biết việc chăn nuôi chuyên nghiệp theo quy mô trang trại, khép kín sẽ xu hướng trong tương lai và mô hình nông hộ nhỏ lẻ sẽ mất dần.
“Khi chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, giá thành sẽ giảm 7 – 10% so với các hộ nuôi nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp có thể tự chủ con giống, thức ăn chăn nuôi. Nếu nông dân mua thức ăn chăn nuôi và con giống ở bên ngoài sẽ phải chịu giá cao hơn 1.000 đồng/kg và 500.000 đồng/con giống”, ông Trọng nói.
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, giá thành sản xuất 1 kg heo hơi dao động từ 45.000 – 52.000 đồng/kg tuỳ từng mô hình và quy mô chăn nuôi. Trong khi đó, giá heo hơi thời điểm cuối năm 2023 có lúc rơi xuống mức 49.000 đồng/kg khiến hộ nuôi nhỏ lẻ thua lỗ.
Do vậy, các hộ chăn nuôi cá thể có thể cân nhắc hợp tác với nhau theo mô hình hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Nếu làm được điều này, người chăn nuôi có thể tối ưu được chi phí về con giống và thức ăn chăn nuôi, từ đó duy trì được đàn heo của mình.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)