Bài 2: 50% số hộ nuôi lợn bỏ nghề
Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nước ta đã giảm từ 5 – 7%/năm; riêng giai đoạn 2019 – 2021, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ giảm 15 – 20%. Với giá thức ăn chăn nuôi và giá bán lợn, gà như hiện tại, nông dân càng nuôi càng lỗ.
Người chăn nuôi còng lưng gánh lỗ, không dám tái đàn vì giá thức ăn chăn nuôi phi mã
Theo khảo sát của phóng viên, giá lợn hơi hiện được thương lái thu mua từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, giá gà trắng từ 16.000 – 25.000 đồng/kg; giá gà lông màu ngắn ngày từ 36.000 – 40.000 đồng/kg.
Bà con chăn nuôi cho biết, với giá các sản phẩm chăn nuôi như vậy, họ gần như thua lỗ. Với những hộ phải mua con giống bên ngoài, lỗ là chắc chắn.
Ông Nguyễn Công Bắc – chủ trang trại nuôi lợn diện tích 7ha ở TP.Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết, giá lợn hơi tại địa phương cũng đã giảm vài ngàn đồng/kg so với hồi Tết Nguyên đán. Với quy mô chăn nuôi 8.000 – 9.000 lợn thịt/lứa, tính trung bình mỗi tuần ông Bắc xuất bán 700 con lợn, trọng lượng bình quân 110kg/con trở lên, giá bán dao động 52.000 – 53.000 đồng/kg.
Ông Bắc tính toán, đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi lần thứ 10 vừa qua đã đẩy giá thành lợn hơi tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg, lên 57.000 – 58.000 đồng (đối với hộ chăn nuôi phải mua con giống).
“Với giá bán như hiện nay, mỗi tháng tôi phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng. Giá lợn hơi phải đạt 55.000 đồng/kg trở lên, người chăn nuôi mới có lãi” – ông Bắc nói thêm.
Theo ông Bắc, do chi phí đầu vào tăng lên, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang đe dọa đàn lợn, cộng với dịch Covid-19 còn phức tạp nên nhiều hộ không dám đầu tư chăn nuôi nữa.
Bộ NNPTNT đang chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 10 - 12 chuỗi sản xuất liên kết lớn.
“Tại Sơn La, ước tính có khoảng 50% số hộ đã bỏ nuôi lợn, hoặc giảm đàn do họ chán nghề nuôi lợn quá rồi. Hiện chỉ còn các trang trại lớn, công ty là còn đủ sức duy trì đàn lợn. Bản thân tôi dù có trang trại nuôi lợn lớn nhất nhì tỉnh Sơn La, nhưng trước tình hình này tôi cũng không dám tăng đàn lợn nái” – ông Bắc chia sẻ.
Tương tự, với những trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, khép kín còn có chút lợi nhuận, còn người chăn nuôi nhỏ đang còng lưng gánh lỗ hết đợt này sang đợt khác. Nếu không tìm được hướng đi mới, sớm muộn họ sẽ phải bỏ cuộc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, người chăn nuôi gia cầm đang gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường tiêu thụ chậm, dịch bệnh đe dọa, giá đầu vào tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, trang trại đã phải giảm quy mô sản xuất, không tái đàn vì nuôi lứa nào cũng lỗ.
Hộ chăn nuôi nhỏ rơi rụng dần
Với quy mô gần 20.000 con gà Ai Cập siêu đẻ, mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định) tiêu tốn trên dưới 10 tấn cám. Anh bảo, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến người chăn nuôi như anh đau đầu tính toán duy trì sản xuất.
Đặc biệt, thời gian này, gia đình anh như ngồi trên đống lửa khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh tạm ngừng hoạt động, đóng cửa nên trứng gà tiêu thụ khó khăn, giá giảm, hiện chỉ còn khoảng 2.000 đồng/quả.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Nếu năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn thì đến năm 2020 chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở.
Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ đã giảm từ 5 – 7%/năm, riêng giai đoạn 2019 – 2021, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ giảm 15 – 20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 – 40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 50 – 60%.
Đáng chú ý, năm 2021, tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), sự teo tóp của các nông hộ chăn nuôi cho thấy sự bấp bênh của thị trường đã khiến người chăn nuôi rơi rụng dần khỏi cuộc đua bởi không đủ lực, tổ chức sản xuất theo chuỗi còn yếu, thiếu bền vững.
Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên chăn nuôi nông hộ sẽ thu hẹp.
Theo ông Tống Xuân Chinh, các nông hộ sẽ phải chuyển đổi sang chăn nuôi những con được ngành nông nghiệp khuyến cáo như: gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản, thỏ, dê… Ngành sẽ chỉ đạo để có dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt các loại chính xác hơn. Từ đó, bà con có thể có định hướng sản xuất phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, khi chăn nuôi nông hộ hiện vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của hàng triệu hộ nông dân, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi nông hộ thời gian tới phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh.
Thiên Hương (Dân Việt)