Bài 3: Những “nỗi khổ” của doanh nghiệp

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá bán lợn, gà không tăng, thậm chí còn giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ. Lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị các doanh nghiệp (DN) không tăng giá thêm để chia sẻ cùng nông dân. Tuy nhiên, DN cũng có cái khó của họ…

Bất đắc dĩ mới phải tăng giá thức ăn chăn nuôi

Những ngày vừa qua, một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm từ 200 – 400 đồng/kg, và là đợt tăng giá thứ 2 từ đầu năm 2022 đến nay. 

Nói về quyết định phải tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết, có nhiều yếu tố khiến DN phải điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, bò, dê và thỏ. 

Nguyên nhân chính là do giá một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Ông Hiếu cho biết, mặc dù nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, song chỉ một số mặt hàng được giảm thuế, còn rất nhiều mặt hàng khác DN phải nhập mà không được giảm. Trong khi có tới 80-85% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi các DN phải mua của nước ngoài.

Điêu đứng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng “dựng đứng” (bài 3): Những “nỗi khổ” của doanh nghiệp - Ảnh 1.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh: T.H

Theo Vietnam Report, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn.

Theo một số DN, với sản lượng thủy sản chế biến đạt 8,7 triệu tấn/năm, ngành chế biến thủy sản nước ta cung cấp hơn 1 triệu tấn phụ phẩm chủ yếu là: Đầu, xương, đuôi, nội tạng cá; đầu, vỏ tôm…

Các loại phụ phẩm này có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giàu đạm.

Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.

Con số của Cục Chăn nuôi cho thấy, tính đến tháng 7/2021, ngành thức ăn chăn nuôi có 265 DN, khối vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có 89 DN. Với tiềm năng phát triển mạnh, ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã thu hút nhiều DN gia nhập ngành, nhất là các DN FDI đang không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành. 

Trong đó, phải kể tới những cái tên “sừng sỏ” như C.P Việt Nam, De Heus, Cargill Việt Nam, Greenfeed Việt Nam, Mavin…

Theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu của toàn ngành chăn nuôi. Số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Để sản xuất lượng thức ăn trên, mỗi năm cả nước cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu, nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại phải nhập khẩu.

Trong tổng nhu cầu các nguyên liệu thức ăn tinh, nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng (các loại hạt cốc: ngô, lúa mì, cám, tấm, sắn…) chiếm tỷ trọng trên 65% (tương đương 21 triệu tấn). 

Nhóm nguyên liệu cung cấp đạm gồm đạm thực vật (khô dầu các loại, bã ngô) và đạm động vật (bột thịt xương, bột gia cầm, bột huyết, bột cá…) chiếm trên 27% tương đương 8,5 triệu tấn.

Điêu đứng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng “dựng đứng” (bài 3): Những “nỗi khổ” của doanh nghiệp - Ảnh 3.
Chi phí chăn nuôi tăng cao do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Ảnh: T.H

Theo ông Hiếu, ngành chăn nuôi đang cạnh tranh rất gay gắt, DN nào có chiến lược tiếp cận thị trường tốt thì mới có thị phần, còn kém thì mất khách hàng. Do vậy, việc tính toán tăng giá thức ăn chăn nuôi là điều mà các DN phải cân nhắc rất nhiều. 

“Tăng giá cũng là bất đắc dĩ, đáng lẽ mức tăng giá còn phải cao hơn. Nhưng nếu cứ tăng giá theo thị trường, không chia sẻ với người chăn nuôi thì DN cũng khó phát triển bền vững được” – lãnh đạo De Heus thừa nhận.

Tìm nguồn nguyên liệu thay thế

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, con lợn đang là đối tượng sử dụng thức ăn chăn nuôi hỗn hợp nhiều hơn so với các loài gia cầm, gia súc ăn cỏ. Do đó, trong chiến lược chăn nuôi đến năm 2030, Bộ NNPTNT đang cố gắng giảm tỷ lệ thịt lợn trong rổ thực phẩm xuống còn 60%, thay vì 65-66% như hiện nay. 

Theo đó, ngành chăn nuôi có thể tận dụng tốt hơn nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như thóc gạo, rơm rạ, cỏ, bã mía, bã sắn…

Vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm nhập khẩu, tăng giá, các DN thức ăn chăn nuôi cần tính đến việc nghiên cứu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm sẵn có trong nước. Đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào…

Ngành nông nghiệp các địa phương cần tuyên truyền nhiều hơn cho người chăn nuôi về việc giảm sử dụng thức ăn công nghiệp, thay thế một phần bằng bã bia, bã bột dừa, bèo rau, cám gạo, hoặc nuôi ruồi lính đen…, nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, như ngô, sắn…

Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thành sản xuất 1kg thịt gà, thịt lợn cũng tăng mạnh, chưa tính tới chi phí kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để DN chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, người nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để tái đàn.

Thiên Hương (Dân Việt)