Bộ Tài chính đề xuất phương án giữ nguyên mức thuế suất MFN 2% đối với khô dầu đậu tương như hiện hành hoặc giảm thuế nhập khẩu xuống 1%.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 26 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và một số hiệp hội đã kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) của mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay, cơ bản mức thuế suất MFN các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều đã ở mức rất thấp, để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với khả năng đáp ứng thị trường trong nước.
Mặt hàng khô đậu tương đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65% nên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng này là 2%, thấp hơn so với mức cam kết trần tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là 5%.
Bộ Tài chính cho rằng mức thuế MFN với đậu tương 2% như hiện hành là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất, đồng thời khuyến khích ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, một số nhà máy ép dầu trong đã sản xuất được một phần khô dầu đậu tương, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
“Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, Bộ Tài chính nhận định.
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án như sau:
Phương án 1: Giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành.
Phương án 2: Điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 1%, thay cho phương án giảm xuống 0% như đề xuất của Bộ NNPTNT và một số hiệp hội.
Số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu các loại, cám các loại, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu. Số còn lại từ nguồn nhập khẩu, chiếm 65%.
Tính đến ngày 15/11, Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 1,6 triệu tấn đậu tương, ổn định về lượng nhưng giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá đậu tương nhập khẩu về Việt Nam khoảng 633 USD/tấn, giảm 8% so với cùng kỳ.
Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)