Giá heo hơi được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn điều chỉnh lên 66.000-68.000 đồng, tăng 5-7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp cận Tết tăng cao đang khiến các doanh nghiệp chăn nuôi đồng loạt điều chỉnh giá đi lên.

Theo đó, C.P Việt Nam – doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất – đã liên tục nâng giá, đưa mức giá heo hơi khu vực phía Nam từ 62.000-64.000 đồng một kg lên 67.000-68.000 đồng một kg. Dabaco cũng tăng giá loại trọng lượng 120-125 kg lên 65.000-66.000 đồng một kg, và heo 110kg đạt 64.000 đồng một kg.

Các doanh nghiệp khác trên cả nước cũng điều chỉnh giá vượt mốc 65.000 đồng một kg, kéo giá heo hơi lên cao trên diện rộng.

Trang trại nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Thi Hà
Trang trại nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Thi Hà

Tại chợ đầu mối Hóc Môn – nơi tiếp nhận lượng lớn heo phục vụ TP HCM, giá hàng công ty loại 1 đã chạm mốc 68.000 đồng một kg. Giá heo trong dân cũng tăng mạnh, có nơi đạt mức 70.000 đồng một kg.

Điều này khiến giá thịt pha lóc tại các chợ cũng tăng theo, với sườn non đạt 150.000 đồng một kg, ba rọi lên 130.000 đồng một kg, tăng 10.000-15.000 đồng một kg so với tuần trước.

Lãnh đạo chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, giá heo hơi đang tăng từng ngày do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này dịp cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung chưa được cải thiện đáng kể. Việc tái đàn heo tại các địa phương diễn ra chậm hơn dự kiến, cộng với tâm lý thận trọng của người chăn nuôi trước nguy cơ dịch bệnh, đã khiến lượng hàng về chợ không dồi dào như cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá sản phẩm tăng mạnh.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán, cho biết việc tái đàn để cung ứng dịp Tết đã bắt đầu từ tháng 9. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% số hộ dân tại Đồng Nai tiến hành tái đàn đúng kế hoạch, trong khi phần lớn chọn tái đàn vào giữa tháng 10 để chờ giá con giống giảm nhẹ. Việc tái đàn chậm hơn dự kiến một tháng làm gia tăng nguy cơ khan hiếm nguồn cung thịt vào dịp Tết Nguyên đán.

Đồng Nai, địa phương cung ứng thịt heo lớn nhất cho khu vực phía Nam, cũng giảm khoảng 20% lượng hàng cung ứng cho TP HCM, chỉ còn dưới 4.000 con một ngày. Nguyên nhân chủ yếu do giá con giống cao, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao và lo ngại dịch bệnh khiến nhiều hộ dân dè dặt tái đàn.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp lớn tận dụng lợi thế và bán được giá tốt nên đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Báo cáo tài chính quý III của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam cho thấy lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 215 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu thuần đạt 7.833 tỷ đồng, tăng 60%.

Tập đoàn Dabaco cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.962 tỷ đồng, tăng 17%, với lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng, gấp 28 lần so với năm ngoái. Lãnh đạo Dabaco lý giải rằng giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ổn định, trong khi giá heo hơi tăng mạnh, giúp doanh nghiệp hưởng lợi lớn.

Charoen Pokphand Foods Plc, công ty mẹ của C.P Việt Nam, báo cáo doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đạt gần 68.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 5% so với năm trước. Ngành gia súc và gia cầm đóng góp lớn nhất với doanh thu gần 59.000 tỷ đồng, tăng 8%.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tình trạng giảm nguồn cung có thể khiến giá heo hơi lập đỉnh mới trong những tuần tới, chạm mốc 71.000 đồng một kg. Điều này sẽ đẩy giá thịt bán lẻ tăng cao hơn nữa, gây áp lực lên người tiêu dùng và thách thức các nỗ lực bình ổn giá thực phẩm trong dịp lễ Tết.

Thi Hà (vnExpress.net)