Phiên giao dịch ngày thứ Năm chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa các mặt hàng khi các nhà giao dịch điều chỉnh vị thế đầu tư trước Báo cáo Cung – Cầu Nông sản Thế giới (WASDE) vào sáng thứ Sáu, ngày 11/7. Trong khi giá lúa mì bật tăng mạnh mẽ do lo ngại về nguồn cung từ khu vực Biển Đen, đậu nành kịp phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm giá nhờ lực mua kỹ thuật cuối phiên. Ngược lại, bắp tiếp tục chịu áp lực từ kỳ vọng về sản lượng kỷ lục và mức tồn kho chưa được cải thiện đáng kể.

🌽 BẮP 🌽

Giá bắp trong phiên tiếp tục mất điểm do giới đầu tư tin rằng sản lượng năm 2025 của Mỹ có thể chạm ngưỡng kỷ lục nếu điều kiện thời tiết từ nay đến cuối vụ không gặp bất lợi. Điều này đã tạo nên tâm lý bán kỹ thuật trước báo cáo WASDE – vốn được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm nhẹ diện tích và sản lượng, nhưng chưa đủ để thay đổi cán cân cung – cầu hiện nay.

Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm thêm 4,25 cent, xuống còn 4,0825 USD/bushel; hợp đồng tháng 9 cũng giảm nhẹ 0,5 cent, chốt tại 3,9875 USD/bushel.

Trong tuần kết thúc ngày 3/7, USDA báo cáo tổng lượng bắp xuất khẩu đạt 66,1 triệu bushels – vượt xa mức trung bình cần thiết hàng tuần là 36,1 triệu bushels để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,65 tỷ bushels cho cả năm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cam kết bán hàng đạt 2,731 tỷ bushels, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2024 – một tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ xoa dịu tâm lý thị trường.

Giới phân tích dự đoán trong báo cáo WASDE sắp tới, USDA có thể giảm sản lượng vụ mới khoảng 75 triệu bushels, đưa tổng ước tính xuống 15,746 tỷ bushels – phản ánh diện tích gieo trồng thực tế thấp hơn dự kiến. Tồn kho cuối vụ theo đó có thể giảm nhẹ xuống còn 1,721 tỷ bushels – vẫn là mức cao nếu so sánh với bình quân lịch sử.

Tại Brazil – đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trên thị trường xuất khẩu – cơ quan thống kê CONAB vừa nâng dự báo sản lượng bắp của nước này lên mức 131,97 triệu tấn, tăng 3,72 triệu tấn so với tháng trước, nhờ cải thiện sản lượng vụ thứ hai. Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 7 lại được dự báo giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 170,9 triệu bushels – phản ánh nhu cầu thế giới đang phần nào suy yếu trong ngắn hạn.

Doanh số xuất khẩu bắp của Mỹ tuần trước vượt xa mọi kỳ vọng, đặc biệt là đối với bắp vụ cũ, với Mexico và Nhật Bản là hai thị trường dẫn đầu. Lượng bán ra cao hơn nhiều so với mức trung bình tuần. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa mua đậu nành vụ mới – đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005 mà Trung Quốc chưa đặt mua bất kỳ lô nào tính đến đầu tháng 7.

🌱 ĐẬU NÀNH 🌱

Giá đậu nành mở cửa trong sắc đỏ và giao dịch phần lớn thời gian trong vùng giảm điểm, nhưng đã kịp phục hồi vào cuối phiên nhờ hoạt động mua bù bán kỹ thuật. Hợp đồng tháng 7 tăng nhẹ 0,75 cent, chốt ở mức 10,13 USD/bushel, trong khi hợp đồng tháng 8 tăng 3,5 cent, đạt 10,125 USD/bushel.

USDA ghi nhận trong tuần qua, xuất khẩu đậu nành tăng thêm 18,5 triệu bushels cho vụ 2024–2025 và 9,1 triệu bushels cho vụ 2025–2026. Lượng giao hàng thực tế đạt 14,5 triệu bushels – vừa đủ để duy trì tiến độ đạt chỉ tiêu năm. Tổng cam kết xuất khẩu hiện tại đạt 1,853 tỷ bushels, tăng 13% so với năm ngoái.

Thị trường cũng ghi nhận mức xuất khẩu khả quan với khô đậu (578.500 tấn cho cả hai vụ) và dầu đậu (4.000 tấn cho vụ 2024–2025), trong bối cảnh nhu cầu từ châu Á – đặc biệt là Hàn Quốc – tiếp tục đóng vai trò chủ lực.

Trước thềm báo cáo WASDE, giới phân tích kỳ vọng USDA sẽ điều chỉnh nhẹ tồn kho vụ cũ lên 360 triệu bushels, trong khi sản lượng vụ mới có thể giảm nhẹ xuống 4,333 tỷ bushels do diện tích gieo trồng giảm. Tồn kho cuối kỳ 2025–2026 theo đó được dự báo ở mức 302 triệu bushels – cao hơn 7 triệu bushels so với tháng 6.

Ở phía Nam bán cầu, Brazil tiếp tục là câu chuyện lớn. CONAB đã điều chỉnh giảm sản lượng đậu nành năm 2024–2025 xuống 169,48 triệu tấn, dù vậy xuất khẩu tháng 7 vẫn được dự đoán sẽ tăng mạnh 24% so với năm trước, đạt mức 438,4 triệu bushels. Xuất khẩu khô đậu của Brazil cũng dự kiến đạt 2,19 triệu tấn trong tháng này.

🌾 LÚA MÌ 🌾

Lúa mì là mặt hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng mạnh trong phiên nhờ hai yếu tố hỗ trợ: áp lực từ đà thu hoạch trong nước đang tạm chững lại và sự sụt giảm xuất khẩu từ Nga – nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Cụ thể, hợp đồng tháng 9 lúa mì đỏ mềm Chicago tăng 7,5 cent lên 5,545 USD/bushel, trong khi hợp đồng lúa mì đỏ cứng Kansas tăng tới 10,75 cent, đạt mức 5,3475 USD/bushel.

Dữ liệu xuất khẩu cho thấy lượng bán hàng tuần qua đạt 20,9 triệu bushels cho vụ 2025–2026, nâng tổng cam kết lên 285 triệu bushels – tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, hợp đồng ghi nhớ mua 1 triệu tấn lúa mì mỗi năm từ các nhà máy xay xát Indonesia cũng tạo thêm kỳ vọng thị trường.

Giới phân tích dự đoán USDA sẽ điều chỉnh sản lượng lúa mì toàn quốc giảm 14 triệu bushels trong báo cáo sắp tới, chủ yếu do diện tích thu hoạch bị điều chỉnh giảm sau báo cáo diện tích cuối tháng 6. Tồn kho cuối vụ được dự đoán sẽ giảm nhẹ xuống 894 triệu bushels.

Tâm điểm của thị trường nằm ở Nga, nơi Sovecon dự đoán xuất khẩu lúa mì tháng 7 có thể chỉ đạt 73,5 triệu bushels – mức thấp nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu là vụ thu hoạch khởi động chậm và tồn kho chuyển vụ thấp. Dù Tổng thống Vladimir Putin vừa tuyên bố mục tiêu tăng 50% xuất khẩu lúa mì đến năm 2030, các nhà giao dịch vẫn tỏ ra thận trọng về năng lực cung ứng trong ngắn hạn.


Với những biến động đang diễn ra, thị trường ngũ cốc toàn cầu đứng trước thời điểm nhạy cảm. Tồn kho tại Mỹ chưa giảm đủ sâu để tạo ra cú hích giá bền vững, trong khi áp lực cung từ Nam Mỹ và sự bất định trong thương mại toàn cầu – đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung lên Philippines từ 1/8 – tiếp tục phủ bóng dài lên xu hướng giá trong trung hạn.

Trong bối cảnh đó, báo cáo WASDE tháng 7 sẽ là “kim chỉ nam” cho các quyết định đầu tư, định giá, cũng như kế hoạch mua hàng của cả nông dân lẫn giới thương mại quốc tế.


www.qdfeed.com