Nhiều dấu hiện cho thấy ngành chăn nuôi đang dần bước qua giai đoạn khó khăn khi giá thức ăn đang hạ nhiệt và giá bán heo, gà tăng giá.

Heo, gà tăng giá

Ngày 20/6/2023, theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, giá sản phẩm của một số doanh nghiệp lớn, cụ thể là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam: Giá heo hơi loại 1: 61.500 đồng/kg; giá heo mảnh: 78.000 đồng/kg; giá đầu lòng heo: 38.000 đồng/kg; gà thịt lông trắng: 34.000 đồng/kg; giá gà lông màu: 47.000 đồng/kg. Trong tuần Công ty xuất bán vịt thịt với giá 47.000 đồng/kg. Giá gà đẻ loại: 57.000 đồng/kg.

Giá sản phẩm tại các Công ty và các cơ sở chăn nuôi tư nhân khác như: Giá heo thịt loại 1 tại Công ty CJ Vina, Japfa và Làng Sen Việt: 60.000 đồng/kg; giá heo thịt loại 1 tại các trại chăn nuôi heo tư nhân 59.000 đồng/ kg; giá gà trắng của Công ty cổ phần 3F Việt, Emivest: 34.000 đồng/kg; giá gà lông màu tại các cơ sở chăn nuôi tư nhân: 45.000 đồng/kg; giá vịt thịt tại các cơ sở chăn nuôi tư nhân: 47.000 đồng/kg; giá vịt Cherry 1 ngày tuổi: 16.500 đồng/con; giá vịt Grimaud 1 ngày tuổi: 14.000 đồng/con.

Giá trứng gia cầm tại các vựa trứng: Giá trứng gà loại 1 (size 21kg): 2.700 đồng/ quả; giá trứng vịt loại 1 (size 23 kg): 3.700 đồng/quả; giá trứng cút: 450 đồng/quả. Tuy nhiên, giá cả các loại thịt trâu, bò hơi tại các địa phương thì chưa có chiều hướng tăng.

 Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá heo hơi phải đạt từ 60.000 đồng/kg trở lên thì mới đảm bảo chuỗi chăn nuôi phát triển cũng như đảm bảo lợi nhuận của các bên: người chăn nuôi, tiêu dùng, phân phối. Còn nếu thấp hơn thì không đủ phân phối lợi nhuận cho các bên có lãi. Đánh giá về nguyên nhân giá heo hơi tăng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Đức Trọng cho rằng, lượng lớn hàng tồn kho đã được các doanh nghiệp lớn cơ bản giải quyết. Trước đây, có thời điểm các doanh nghiệp hầu hết phải nuôi quá lứa xuất chuồng nhưng nay gần như không còn tình trạng này. Trong khi đó, nguồn cung trong các hộ chăn nuôi nhỏ cũng giảm đi rất nhiều. Nhiều trang trại lớn, nhỏ đã phải “treo chuồng” do giá heo hơi xuống quá thấp mà giá thức ăn chăn nuôi không có giảm. Giá heo hơi tăng còn được các chuyên gia nhận định do nhu cầu thực phẩm cũng đang có dấu hiệu tăng lên khi mùa du lịch bắt đầu.

Theo thương lái và doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai sản xuất, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, giá heo, gà tăng cao trở lại do nguồn cung giảm mạnh khi người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng nuôi sau nhiều tháng dài gồng lỗ. Tuy nhiên, tình hình giá heo hơi lại quay đầu giảm giá cho thấy giá heo, gà tăng mang tính cục bộ, thiếu tính bền vững do nhu cầu của thị trường tiêu thụ vẫn tiếp tục ảm đạm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết nhận xét, hơn 1 tuần nay, giá gà công nghiệp tăng cao lên mức người chăn nuôi có lợi nhuận tốt. Giá gà tăng do nguồn cung giảm mạnh khi nhiều trại nuôi giảm đàn, thậm chí ngưng nuôi. Trước đó, giá mặt hàng thịt heo đã có 8 tháng liên tiếp sụt giảm, ngay cả trong mùa cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán do nguồn cung trong nước dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ rất yếu. Giá heo, gà xuống thấp khiến không chỉ người chăn nuôi mà các doanh nghiệp cũng lao đao, Nhà nước thì thất thu thế. Tại Đồng Nai, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi không phát sinh thuế trong suốt hơn 4 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm 2022 doanh nghiệp này nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh hơn 348 tỷ đồng.

Giá thức ăn giảm

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, tính từ tháng 10/2020 đến ngày 21/5, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40% và chưa một lần điều chỉnh giảm. Người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn bởi giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm và neo ở mức thấp.

Nay giá thức ăn chăn nuôi giảm 400 đồng/kg (khoảng 3%), tuy không nhiều so với mức tăng trước đó. Nhưng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang hạ nhiệt, giá cước vận chuyển về Việt Nam cũng giảm gần về mức cũ trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Thế nên, thời gian tới, có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm dần. Điều này có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất sẽ giảm.

“Nhưng còn về giá thịt gà, giá heo hơi hiện rất khó dự báo xu hướng sắp tới”, ông Đoán cho hay

Sức mua vẫn ảm đạm

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, đơn vị đầu tư hệ thống trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Đồng Nai chuyên cung cấp đi thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận cho biết, hiện công suất giết mổ của DN giảm 40% so với trước dịch bệnh Covid-19 do thị trường tiêu thụ chậm. Sức mua chậm nhưng giá heo, gà vẫn tăng cao là do nguồn cung giảm mạnh. Ngay cả thời điểm giá heo, gà tăng ở mức người nuôi có lợi nhuận nhưng DN nói riêng và nhiều trang trại chăn nuôi đang tạm ngưng hoạt động chưa tính chuyện đầu tư lứa mới. Ngành chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác vẫn cao. Trong khi đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi biến động bất thường, rủi ro thua lỗ vẫn rất cao.

Các DN, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp khó khi giá heo, gà đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chậm do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Nhiều khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bếp ăn công nghiệp và chế biến hiện đều giảm lượng đơn hàng. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến hết ngày 20/5/2023, có khoảng 509 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (ở TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, từ sau đại dịch Covid-19, công suất giết mổ của DN giảm hơn so với trước. Nguyên nhân chính vì người dân cắt giảm chi tiêu, một phần do xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ăn chay, giảm tiêu dùng thịt. Trước khó khăn về đầu ra, DN đang đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm từ thịt như: giò hoa ngũ thảo, chả lụa, lạp xưởng, xúc xích… Có lợi thế đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, DN khai thác thị trường ngách khi linh động tổ chức việc giết mổ, pha lóc thịt, có đội xe cung cấp thịt cho khách hàng theo giờ. Nhiều khách hàng cần nguồn thịt nóng để làm chả giò DN vẫn đáp ứng được trong khi những tập đoàn lớn không có lợi thế này.

Lê Quyên – Tâm An (Nhà Chăn nuôi)

ÔNG LÊ MINH HOAN, BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT: Cần tăng sức mạnh nội lực

Ngành chăn nuôi có rất nhiều vấn đề, không riêng gì kiểm soát dịch bệnh. Tôi đã đọc một số khuyến nghị của hiệp hội chăn nuôi, của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nói tại sao chúng ta không dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, hoặc không cho nhập trong bối cảnh dư thừa.

Câu chuyện không đơn giản là cho nhập hay không cho nhập. Chúng ta đã gia nhập thị trường quốc tế. Để ký được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch bao nhiêu mặt hàng vào một quốc gia nào đó, chúng ta cũng phải nhập lại bấy nhiêu mặt hàng, dưới sự kiểm soát chặt về các vấn đề an toàn thực phẩm.

Chúng ta không thể cấm, nhưng có thể kiểm soát được. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn tới cả ngành chăn nuôi nước ta.

Còn vấn đề ngăn chặn nhập lậu qua đường mòn, lối mở liên quan đến rất nhiều đơn vị. Càng nhiều đơn vị tham gia, sự hợp tác có những lúng túng nhất định.

Chúng tôi sẽ làm việc với hiệp hội, làm việc với các doanh nghiệp FDI. Phải nhìn nhận họ là một đối tác thật sự, không nên quá cảm xúc. Chúng ta đã hội nhập, cần tăng sức mạnh nội lực làm sao để đồng đẳng, hợp tác một cách công bằng với họ. Từ năng lực của HTX để cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thành chuỗi liên kết.

Tôi đã trao đổi với doanh nghiệp. Họ mong muốn nội địa hoá được một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm dần tỷ trọng nhập khẩu. Bộ sẽ đồng hành vì đây là khó khăn lớn của ngành, cần giải quyết.

ÔNG DƯƠNG TẤT THẮNG, CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI: Tổ chức sản xuất thiếu gắn kết giữa sản xuất với thị trường

T ừ năm 2020 đến nay, ngành chăn nuôi gặp khó do thị trường tiêu thụ không ổn định, hiệu quả đầu tư không cao, sinh kế người chăn nuôi bị ảnh hưởng. Cùng với đó, dịch bệnh đe dọa, nguồn lực sản xuất, đặc biệt là đất đai ngày càng thu hẹp Nguyên nhân là do tổ chức sản xuất thiếu gắn kết giữa sản xuất với thị trường; hoạt động giết mổ, bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn yếu, chưa tích hợp các giá trị trong từng sản phẩm.

Đặc biệt, việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ (trong đó có hai hiệp định thế hệ mới như CPTTP và EVFTA), nhiều quốc gia có thế mạnh chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Úc,… tăng xuất khẩu vào Việt Nam. Dù tỷ lệ nhập năm 2022 và đầu 2023 không quá lớn, nhưng hiệu ứng “giọt nước tràn ly” càng làm cho giá bán sản phẩm heo và gia cầm trong nước giảm mạnh.

Ngoài ra, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn chưa thực hiện đồng bộ và thống nhất, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn xảy ra, gây biến động cung và khó khăn cho xuất khẩu; giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi ở nước ta khá cao so với khu vực và thế giới.

Đáng nói, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi tại trại giảm sâu và kéo dài thì hầu như giá bán thịt heo tại siêu thị và các chợ ở thành phố giảm ít, hoặc không giảm. Điều này không có lợi cho cả hoạt động thúc đẩy sản xuất và cả kích thích tiêu dùng thực phẩm, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn sau dịch Covid. Thiếu sự hợp tác, chia sẻ thông tin và điều tiết lợi nhuận một cách hài hòa giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm là nguyên nhân của vấn đề.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần đảm bảo gắn kết giữa sản xuất với thị trường; đẩy mạnh hoạt động giết mổ, bảo quản, chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi; nghiên cứu, bổ sung các biện pháp kỹ thuật phù hợp để kiểm soát sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thúc đẩy chuyển giao KHCN và các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, bằng mọi cách hạ giá thành sản phẩm.

Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giám sát để thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là hợp tác theo chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân; bảo đảm chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các tác nhân tham gia chuỗi. Cần hoàn thiện thêm các chính sách hỗ trợ các chuỗi giá trị, các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Tâm An (ghi)