Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết trong ba quý đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Trung Quốc tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/12. Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã trả lời phỏng vấn báo chí, theo báo Chính phủ.

Đại sứ Hùng Ba cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc.

Đại sứ khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu  các mặt hàng thuỷ sản, nông sản của Việt Nam. Trong ba quý đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Trung Quốc tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đầu năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu  sầu riêng sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD cả năm. Tuy nhiên, 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đã đạt 1,95 tỷ USD nên chắc chắn cuối năm sẽ vượt con số này, thậm chí tăng gấp đôi”, Đại sứ Hùng Ba chia sẻ.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, thương mại hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc ước đạt 155,6 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại  nhập siêu 43,6 tỷ USD, giảm 23%.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch ước đạt gần 56 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trung Quốc là điểm sáng trong xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm. Một số mặt hàng nông sản như rau quả, gạo, hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng hai con số.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc 11 tháng năm 2023 ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Bộ Công Thương cho rằng những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế  của Trung Quốc năm 2023 đạt 5,2%, cao hơn so với mức dự báo trước đó là 5,1%.

Bộ Công Thương nhận định lạm phát  ở nền kinh tế thứ hai thế giới đã hạ nhiệt, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 tăng 3% (tính theo đồng USD), điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã cải thiện hơn vào giai đoạn cuối năm. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Ngoài ra, Bộ sẽ nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)