Bài 4: Nông dân mò mẫm trộn thức ăn cho lợn

Giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức rất cao, trong khi giá thịt lợn hơi, giá gia cầm lại xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi đứng bên bờ vực lỗ vốn. Để giảm chi phí sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi, doanh nghiệp nhỏ đã tìm cách tự phối trộn thức ăn, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng “dựng đứng”, nhà nông tự tìm công thức phối trộn thức ăn cho lợn

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN, anh Lương Văn Quyền – chủ trang trại nuôi hàng trăm con lợn thịt ở huyện Lương Sơn (Hoà Bình) cho biết, nhiều năm nay gia đình anh đã tự trộn thức ăn cho lợn, rất ít khi phải mua cám công nghiệp. 

Nguyên liệu chính gồm bã bia, bã đậu nành, cám ngô, cá tạp, khô dầu lạc/đậu tương và chế phẩm sinh học. Tất cả trộn theo tỷ lệ thích hợp, đóng bao ủ 3 – 4 ngày, sau đó lấy ra cho lợn ăn dần.

Anh Quyền chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng mò mẫm trộn lung tung, không theo tỷ lệ cố định. Qua quá trình chăn nuôi lâu dài, tự tôi đã đúc kết được công thức hiệu quả nhất, giúp đàn lợn vừa nhanh lớn, vừa khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với dịch bệnh. So với giá cám công nghiệp mua từ nhà máy cho nuôi lợn giai đoạn 1 giảm được 4.000 đồng/kg, cám công nghiệp cho nuôi lợn giai đoạn 2 giảm 3.000 đồng/kg, giá thành 1kg lợn hơi tăng trọng giảm được hơn 4.000 đồng”.

“Đặc biệt, trang trại của tôi chưa hề bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Chất lượng thịt lợn cho ăn bằng cám tự trộn rất ngon, mỡ thơm, nước luộc thịt trong, ngọt, không sủi bọt” – anh Trung tự hào cho biết thêm.

Điêu đứng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng" (bài 4): Tìm cách tự phối trộn thức ăn cho vật nuôi - Ảnh 1.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia hướng dẫn bà con nông dân tự phối trộn thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: T.L
Điêu đứng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng" (bài 4): Tìm cách tự phối trộn thức ăn cho vật nuôi - Ảnh 2.
Sản lượng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ta năm 2021. Nguồn: Cục Chăn nuôi

Tương tự, anh Lù Chẩn Lèng ở thôn Lùng Phình A, xã Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) cũng đang tự phối trộn thức ăn cho đàn lợn của gia đình.

Theo đó, anh trộn 8 loại nguyên liệu mua trong nước, riêng men ủ, anh cùng với người nhà đã chung tiền để nhập về từ Nhật Bản. Giá 700.000 đồng/kg men, nhưng có thể trộn được 2 tấn thức ăn, ủ trong 10 ngày là đạt tiêu chuẩn. 

“Nguyên liệu này trước mắt phục vụ gia đình. Gia đình làm được rồi thì mới mở rộng ra, nhân con giống và cám cung cấp cho bà con. Cám gia đình làm thì tỷ lệ tăng trưởng không bằng loại khác nhưng ăn chất lượng hơn” – anh Lù Chẩn Lèng cho biết.

Tự trộn thức ăn cho lợn gà, hiệu quả rõ rệt

Ông Phạm Công Thiếu – Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước năm 20221 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 7,9% so với năm 2020. Trong đó, thức ăn cho lợn tăng 22%, thức ăn gia cầm giảm 8,7% và thức ăn cho vật nuôi khác tăng 7,3%.

Tại Việt Nam chi phí thức ăn chiếm khoảng 80-85% giá thành chăn nuôi. Ông Thiếu cho hay, nếu áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng thức ăn thì chỉ cần giảm được 3% chi phí thức ăn cũng đã giảm được 2% giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, ông Thiếu cho rằng, giải pháp sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương và tối ưu khẩu phần ăn cho vật nuôi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để giảm chi phí đầu vào. 

“Phương pháp tự phối trộn được xem là giải pháp tình thế phù hợp với tình hình thị trường chăn nuôi hiện nay. Tùy theo nguồn nguyên liệu, phế phụ phẩm sẵn có tại từng địa phương, chúng tôi đưa ra những khẩu phần riêng cho từng vùng để bà con nông dân tự trộn, lấy công làm lãi. Áp dụng biện pháp này, người nuôi vẫn có thể phát triển đàn lợn tốt mà vẫn đảm bảo được kinh tế. Đặc biệt, với việc tự phối trộn thức ăn chăn nuôi, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng thức ăn, nâng cao chất lượng thịt” – ông Thiếu thông tin.

Viện Chăn nuôi cũng đưa ra công thức khẩu phần ăn sử dụng thóc cho gà lông màu nuôi thịt, gà đẻ lông màu, vịt thịt và vịt đẻ. Đối với các khẩu phần ăn nêu trên khi sử dụng gạo tách trấu thay thế ngô thì lợn con sau cai sữa có thể thay thế từ 58 – 100%; lợn thịt 50 – 100%; gà nuôi thịt lông màu 33 – 50%; vịt nuôi thịt 40 – 100%.

Từ công thức phối trộn thức ăn nêu trên, Viện Chăn nuôi đã áp dụng tại một số mô hình và cho hiệu quả rõ rệt. Theo đó, tại trang trại của bà Nguyễn Thị Kim Phượng ở xã Tân Mỹ Chánh, TP.Mỹ Tho (Cần Thơ) áp dụng phối trộn thức ăn cho lợn ngoại và đã hạ được giá thành sản phẩm khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, kết quả nghiên cứu của Viện Chăn nuôi là biện pháp góp phần hạ giá thành sản phẩm từ 400 – 1.000 đồng/kg.

Hay như mô hình tự phối trộn thức ăn cho lợn đen bản địa tại trang trại Lùng Phình (Công ty TNHH Anh Nguyên), ở xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà Lào Cai. Hiện, công ty có hơn 1.000 con lợn thịt, nếu sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp thì mỗi ngày tiêu tốn đến cả chục triệu đồng. Nhưng từ khi cơ sở tự sản xuất thức ăn bằng đậu tương, ngô, thóc cộng với men ủ, cá khô và một số vi lượng khác thì chi phí chăn nuôi đã giảm đi đáng kể.

Ông Thiếu đánh giá, nhờ sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo…, các mô hình chăn nuôi lợn thịt tại Tiền Giang, Lào Cai… đã giảm được giá thành sản phẩm khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg tăng khối lượng. Mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng công nghệ tự phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có ở Nghệ An, Thừa Thiên – Huế… đã giảm chi phí thức ăn 10 – 15%/nái/năm so với mua thức ăn hỗn hợp.

Minh Ngọc – MH (Dân Việt)