Hiện cả nước sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn thịt các loại và 17 tỷ quả trứng gia cầm, thủy cầm mỗi năm. Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, nguồn cung quá dồi dào, nên một số mặt hàng chăn nuôi đang bán dưới giá thành sản xuất.

Trong khi đó, đa số sản phẩm chăn nuôi vẫn bán cho thương lái, chưa xây dựng được chuỗi liên kết cũng góp phần làm đầu ra sản phẩm bấp bênh.

Nguồn cung lớn

Hiện Đông Nam bộ là vùng trọng điểm phía Nam, đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ tăng trưởng tốt, nguồn cung sản phẩm thịt, trứng khá dồi dào cho thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu của khu vực cung cấp các mặt hàng thịt, trứng, nhất là sản phẩm thịt, trứng gia cầm. Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong năm, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định. Tổng đàn heo của tỉnh hiện đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ. Tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đàn trâu bò trên 90 ngàn con, dê khoảng 192 ngàn con, tổng đàn chim cút đạt trên 8,2 triệu con.

Ước tổng sản lượng thịt cung cấp ra thị trường trong năm 2022 của Đồng Nai đạt trên 630 ngàn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng trứng ước đạt gần 1,2 tỷ quả, tăng hơn 6,6% so với năm ngoái.

Cũng theo ông Trần Lâm Sinh, một trong những thách thức của ngành chăn nuôi tỉnh khi ngành này tăng trưởng nhanh trong khi tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi đưa vào chế biến còn thấp khiến giá trị gia tăng chưa cao, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động bất thường, nhiều giai đoạn người chăn nuôi thua lỗ vì giá thấp. Tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết; thu hút đầu tư đột phá cho chế biến sâu để sản phẩm chăn nuôi có đầu ra ổn định hơn.

Tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 8-12, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cho hay, Đông Nam bộ đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Hiện nay, nguồn cung thịt, trứng cho thị trường đang rất dồi dào. Các doanh nghiệp nên hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm, thịt heo đông lạnh. Thị trường trong nước cần giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi. Nhà nước cần thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn, từ đó bình ổn thị trường tiêu thụ.

Cần chăm chút thị trường nội địa

Tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung – cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ, nhiều ý kiến đóng góp bàn giải pháp về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi khi nguồn cung của ngành chăn nuôi dồi dào, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Trong đó, giải pháp cần kiểm tra rà soát, đánh giá thực trạng kênh phân phối các sản phẩm chăn nuôi của thị trường nội địa, chăm chút hơn cho kênh phân phối trong nước vì thị trường này vẫn còn giàu tiềm năng.

Đại diện Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP.HCM) thông tin, từ nay tới dịp Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu thực phẩm của TP.HCM tăng 20-30%, nhu cầu về trứng khoảng 105 triệu quả/tháng. TP.HCM mong muốn các tỉnh, thành phố lân cận phối hợp, cung cấp nguồn thực phẩm cho TP.HCM, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu cho người dân, nhất là vào cao điểm thị trường Tết.

Ông Đinh Viết Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I so sánh để cho thấy tiềm năng thị trường trong nước vẫn còn rất lớn: “Hiện nay bình quân người Việt Nam tiêu thụ 55-57kg thịt các loại, 130-135 quả trứng/năm, chỉ bằng 70-80% so với các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Theo ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, Cục Chế biến – phát triển thị trường nông sản, chuỗi sản xuất – tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ có sự khác nhau giữa các hình thức. Cụ thể, tiêu thụ với hình thức không liên kết với sản phẩm thịt gia cầm chiếm tỷ lệ khoảng 86%, trứng gia cầm khoảng 74%; có liên kết với thịt gia cầm khoảng 12%, trứng gia cầm 22%…

Giá bán trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9% so với chuỗi thịt liên kết. Ông Cường cho rằng: “Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp. Cần có cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi do giữa các tác nhân trong chuỗi”.

Theo ông NGUYỄN QUỐC TOẢN, Cục trưởng Cục Chế biến – phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá các sản phẩm chăn nuôi đóng góp quan trọng kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%. Từ nay đến Tết, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường. Đặc biệt phải nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa. Mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)