Nông dân Mỹ không mặn mà tăng sản lượng khi giá lương thực leo thang vì chi phí cũng tăng, thời tiết khó đoán và lực lượng lao động cũng đã ít đi.

Để biết về sự phát triển của nền nông nghiệp Mỹ hiện đại, bạn có thể ghé thăm kho thóc trong trang trại của ông Philip Volk, gần thành phố Rugby ở Bắc Dakota. Bên trong tòa nhà cũ kỹ là những trang thiết bị trị giá hàng trăm nghìn USD. Một chiếc máy gặt đập liên hợp khổng lồ màu đỏ nằm bên cạnh chiếc máy gieo hạt màu xanh lục, trông hơi giống máy thái bánh mì. Ngoài ra, còn có chiếc máy kéo lớn hơn một chiếc xe tăng.

Máy gieo hạt được kéo bằng máy tự động di chuyển theo GPS. Chiếc máy cắt xuyên qua đất và chỉ mất một tuần hoặc lâu hơn chút để gieo toàn bộ vụ mùa mà trong trang trại của ông Volk, chủ yếu trồng lúa mì mùa xuân.

Năm đến sáu tháng sau, máy gặt đập liên hợp thu hoạch tất cả gần như nhanh chóng. Xe tải sau đó đưa lúa mì đến nơi phân loại và chất lên các chuyến tàu đi đến bờ biển phía tây, chủ yếu là Nhật Bản.

Với một đội gồm 4 người và một vài người thân và hàng xóm khác đến tham gia vào thời điểm thu hoạch, ông Volk có thể canh tác 2.000 ha đất. Cụ cố của ông là một người Đức di cư sang Mỹ, từng phải cày đất bằng ngựa, rồi gieo sạ thủ công, với hàng chục đến hàng trăm nhân công.

Chiếc máy kéo đầu tiên được ông nội Volk mua gần một thế kỷ trước, vẫn nằm trong nhà kho. Nó khá nhỏ bé so với các thế hệ hiện đại và không còn được sử dụng nhiều trong trang trại. “Tôi sẽ không muốn quay lại và ngồi trên một chiếc máy kéo ca-bin hở và chịu sự vất vả của ông nội”, Volk nói.

Nông dân Mỹ đang có khoảng thời gian thú vị. Trên đồng bằng Bắc Dakota và Montana, mùa lớn nhất là lúa mì vụ xuân, được trồng vào tháng 4 và thu hoạch vào cuối mùa hè. Việc trồng trọt trên các trang trại ở Montana đã bắt đầu và ông Volk cũng sẽ xuống giống.

Diễn biến giá lúa mì hợp đồng tương lai trên sàn hàng hóa Chicago trong 6 tháng qua. Đồ họa: Nasdaq
Diễn biến giá lúa mì hợp đồng tương lai trên sàn hàng hóa Chicago trong 6 tháng qua. Đơn vị: USD. Đồ họa: Nasdaq

Nhờ khủng hoảng Ukraine, giá lúa mì đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008, nghĩa là nông dân sẽ kiếm được nhiều tiền. Nhưng họ cũng phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn nhiều, đặc biệt với phân bón và nhiên liệu. Và hạn hán trong ba năm qua đã làm giảm sản lượng.

Mặc dù giá cao hơn, nhưng Volk chỉ định trồng thêm 5-10% lúa mì trong năm nay so với khi không có chiến sự. Nguyên nhân là rủi ro quá cao nếu chi tiêu bạo tay cho đầu vào mà vụ mùa không thành công. “Hai tuần thời tiết không ổn có thể thay đổi kết quả trong tích tắc”, ông nói.

Hơn một nửa lượng lúa mì của Mỹ được xuất khẩu. Nhưng việc nông dân Mỹ không mặn mà tăng sản lượng là tin xấu với những người tiêu dùng lúa mì, đặc biệt là tại các nước nghèo ở Bắc Phi vốn sống dựa vào nguồn cung từ Ukraine và Nga. Còn với nông dân nước này thì đó là tin tốt vì tình trạng thiếu hụt sẽ giúp giá neo ở mức cao thêm thời gian nữa.

Nông dân Mỹ đang kiếm tiền khá tốt. Thu nhập ròng từ trang trại năm ngoái đã tăng 25%, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lên mức cao nhất kể từ năm 2013. Bộ này cho rằng nó có thể giảm nhẹ trong năm nay, một phần do giảm hỗ trợ của chính phủ liên quan đến Covid-19, và phần khác do chi phí đầu vào cao hơn.

Nhưng giá đất canh tác, một chỉ số đánh giá lợi nhuận của việc canh tác, đang ở mức cao nhất từng có. Đất nông nghiệp ở Iowa, bang nông nghiệp nhất của Mỹ, đã được bán với giá hơn 20.000 USD một mẫu (khoảng 0,4 ha).

Trong những năm gần đây, Washington đã bơm tiền cho nông dân với một tỷ lệ đáng kinh ngạc. Vincent Smith, Nhà kinh tế học tại Đại học Bang Montana, cho biết vào năm 2020, nông dân nhận được gấp ba lần mức trợ cấp thông thường nhờ các khoản thanh toán liên quan đến Covid và chiến tranh thương mại. Tổng các khoản trợ cấp cho 200.000 nông dân lớn hoặc tương đương, lên tới 49 tỷ USD hoặc 0,2% GDP.

Bất chấp điều đó, vùng nông thôn nước Mỹ đang suy giảm sâu sắc. Theo điều tra dân số năm 2020, hai phần ba số hạt nông thôn bị mất dân số từ năm 2010 đến năm 2020, và tổng dân số nông thôn Mỹ giảm lần đầu tiên trong lịch sử.

Các quận mới mọc lên hầu hết không phải là những quận trồng trọt mà là những nơi đẹp đẽ để mọi người lui tới nghỉ hưu, gần núi hoặc biển, hoặc những nơi có nhiều dầu mỏ. Các khu vực trung tây, nơi cung cấp hầu hết lương thực của Mỹ đang thu hẹp nhanh nhất. Hạt Pierce, nơi có trang trại của ông Volk, đã mất 8% dân số. Trong khi các quận ở Bắc Dakotan, nơi đã có sự bùng nổ dầu đá phiến trong 15 năm qua đã tăng trưởng dân số mạnh mẽ.

Có thể nhìn vào trường hợp của ông Volk để giải thích. Khi nông nghiệp trở nên có lãi hơn, lợi nhuận từ cơ giới hóa cũng tăng theo. Anne Schechinger, nhà kinh tế nông nghiệp của Nhóm Công tác Môi trường, cho biết ngày nay chỉ có 6% việc làm ở nông thôn có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp.

Còn lại, hầu hết trang trại, dù quy mô nhỏ cũng là những doanh nghiệp nông nghiệp có vốn hóa cao, trồng một hoặc hai loại cây và sử dụng rất ít lao động. Ông Volk cho biết trang trại của ông ban đầu rất nhỏ nhưng qua nhiều thập kỷ, nó dần lớn hơn khi những người hàng xóm nghỉ hưu và chia đất cho những người thừa kế. Nhiều người nhận đất sau đó bán lại cho ông.

Thu hoạch lúa mì ở Dixon, Illinois. Ảnh: Reuters
Thu hoạch lúa mì ở Dixon, Illinois. Ảnh: Reuters

Các khoản trợ cấp, phần lớn dưới hình thức bảo hiểm cây trồng, giúp đảm bảo duy trì nguồn cung cấp lương thực, và bảo vệ nông dân khỏi bị phá sản trong thời kỳ suy thoái. Đồng thời, nó nhằm khuyến khích nông dân trồng một lượng lớn đậu nành, ngô, và lúa mì để xuất khẩu phần lớn.

Ngô được thúc đẩy không chỉ nhờ trợ cấp trực tiếp mà còn bởi tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo, buộc các nhà tinh chế phải pha trộn ethanol làm từ ngô vào xăng, từ đó đẩy giá trị của cây trồng lên. Những loại cây trồng như vậy thường được trồng trên các trang trại lớn có cơ giới hóa. Trái cây tươi và rau quả trồng tốn kém hơn và đòi hỏi nhiều lao động hơn, nhưng nông dân hầu như không nhận được trợ cấp cho chúng.

Ngay cả khi nông dân đang trở nên giàu có hơn, cộng đồng họ sống vẫn neo người, khó thu hút được cư dân. Cậu con trai út của Volk đi xe buýt đến trường chỉ với ít hơn mười bạn cùng lớp. Con trai lớn của ông có khả năng sẽ tiếp quản trang trại, nhưng những đứa trẻ trong tương lai có thể phải học ở trường nội trú.

Ngày càng khó để tìm người làm việc cho hội đồng nhà trường và chính quyền quận. Nhiều người trẻ vẫn rời đi để chuyển đến những nơi có cơ hội việc làm thú vị hơn, nếu không muốn nói là có lợi hơn. Hơn một nửa số nhà thờ từng phục vụ cộng đồng đã đóng cửa. “Cộng đồng đã co hẹp”, ông Volk nói.

Quốc hội Mỹ đang bắt đầu tthảo luận về dự luật nông trại mới, dự kiến sẽ được thông qua vào năm sau. Ngay cả khi giá lương thực đang cao, hầu hết các nhà quan sát đều dự báo phải duy trì mức trợ cấp cho nông nghiệp lớn như hiện tại hoặc thậm chí là tăng thêm.

Việc trợ cấp còn thúc đẩy nông dân giảm lượng khí thải CO2 nên được cho là rất cần thiết. “Theo như tôi biết, mọi nhóm vận động hành lang lớn đều tán thành quan điểm đó”, Nhà kinh tế Vincent Smith nói.

theo The Economist

Phiên An (vnExpress)