Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm đã gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đầu năm, giá bán thức ăn chăn nuôi đã tăng chóng mặt
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2021 sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta đạt 21,4 triệu tấn (tăng 5,9% so với năm 2020), trong đó thức ăn cho lợn đạt khoảng 10,88 triệu tấn (tăng 22,0%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 9,75 triệu tấn (giảm 8,7%), thức ăn cho vật nuôi khác khoảng 0,76 triệu tấn (tăng 7,3%). Giá bán thức ăn chăn nuôi tăng thức ăn tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp, có thời điểm trong giai đoạn ngắn có loại vật nuôi chỉ bán được 25-30% giá thành (gà công nghiệp trắng).
Nối tiếp đà tăng của năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đều gửi thư đến khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi.Mức tăng phổ biến từ 200-300 đồng/kg. Hiện giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt đang dao động phổ biến khoảng 12.314,8 – 12.952,8 đồng/kg; giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt đang dao động phổ biến ở mức 12.277,5 đồng/kg.
Nguyên nhân tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, 2 tháng qua, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới liên tục tăng cao khiến giá trong nước tăng theo. Trước biến động của tình hình chính trị trên thế giới, dự báo giá mặt hàng này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021, trong đó dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) có tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới.
Cùng với đó là lạm phát của thế giới dự báo tăng cao, chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu tăng, giá thuê container hiện đang ở mức cao.
Từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP để giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chật vật
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi (TACN) Hoa Kỳ (Bình Giang – Hải Dương) đã 7 lần tăng giá. Mức tăng áp dụng nhiều nhất với các loại cám dành cho gà và lợn, mỗi lần tăng từ 200 – 300 đồng/kg. Sắp tới, công ty tiếp tục điều chỉnh tăng thêm lần nữa với mức 200 đồng/kg. Như vậy, giá các loại TACN đã tăng từ 12.000 – 13.000 đồng/kg so với cuối năm 2020. Giá bán tăng, người nuôi tái đàn ít, đồng nghĩa với việc sản lượng TACN của doanh nghiệp bị sụt giảm khoảng 10% so với trước. Hiện mỗi tháng, đơn vị này chỉ sản xuất gần 2.000 tấn.
Ông Phạm Văn Vững, đại diện Công ty TNHH TACN Hoa Kỳ phụ trách khu vực Hải Dương cho biết: “Từ cuối năm 2020, giá các loại nguyên liệu để sản xuất TACN như ngô, đậu tương, bột cá… liên tục tăng khiến giá cám trong nước có nhiều biến động. Các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước buộc phải tăng giá nhằm ổn định chất lượng sản phẩm. Giá bán các loại TACN của công ty đã tăng khoảng 30% so với trước”.
Mới đây, ngày 25/2/2022, Công ty TNHH TACN Phú Gia ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách – Hải Dương) đã gửi thông báo đến các đại lý, nhà phân phối đồng loạt tăng 300 đồng/kg cám các loại. Theo đại diện doanh nghiệp này, giá TACN tăng, thị trường bị thu hẹp nên sản lượng sản xuất của công ty chỉ còn gần 1.000 tấn/tháng, giảm khoảng 40% so với trước đó. Là doanh nghiệp sản xuất nhỏ, nguồn nguyên liệu sản xuất được lấy lại từ các nhà nhập khẩu khác nên giá thành đội lên cao hơn. Theo dự báo, thời gian tới giá nguyên liệu sản xuất TACN có khả năng tiếp tục tăng mạnh do những biến đổi bất thường của khí hậu và thị trường thế giới.
Giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành
Tại Hải Dương, giá TACN tăng trùng với thời điểm người chăn nuôi trong tỉnh đẩy mạnh tái đàn gà sau Tết. Theo anh Phạm Đình Dừa, ở thôn Buộm, xã Yết Kiêu (Gia Lộc), chủ cơ sở kinh doanh, ấp nở trứng gia cầm lớn trên địa bàn tỉnh thì sau Tết giá gà giống từ 10.000 – 11.000 đồng/con, tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/con. Tuy nhiên, ngay sau khi các công ty TACN tăng giá cám thì giá gà chững lại.
“Giá gà thịt bấp bênh trong khi giá cám liên tục tăng khiến nhiều chủ trang trại phân vân lựa chọn có nên tiếp tục tái đàn với số lượng lớn hay thu nhỏ quy mô để giảm thiểu nguy cơ lỗ”, anh Dừa nói.
Vừa nhập 5.000 con gà giống thì ông Tăng Văn Khải (Chí Linh – Hải DƯơng) nhận được thông báo giá cám tăng. Ông chia sẻ: “Trước đây, nuôi 1.000 con gà chỉ tốn khoảng 65 triệu đồng thì nay tăng lên gần 90 triệu đồng. Trong 2 năm qua, nhiều hộ ở khu vực này đã bỏ nuôi gà hoặc giảm quy mô để giảm nguy cơ thua lỗ”.
Theo ông Khải, chi phí TACN, thuốc thú y tăng cao khiến giá thành sản xuất cũng đội lên cao. Gà thịt phải bán với giá 55.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi song do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên giá gà vẫn duy trì ở mức thấp. Hiện chỉ gà loại đẹp mới bán được 55.000 đồng/kg, còn lại người nuôi chỉ bán được với giá từ 50.000 – 52.000 đồng/kg, người chăn nuôi chấp nhận lãi ít, trong trường hợp đàn bị hao hụt thì thua lỗ.
Với người chăn nuôi lợn thì sau dịch tả lợn châu Phi, khó khăn vẫn luôn chồng chất. Giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thành sản xuất liên tục tăng. Nếu chăn nuôi theo chuỗi tự chủ được con giống đến nuôi lợn thịt chi phí từ 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống thì giá khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện dao động từ 50.000-54.000 đồng/kg thì người chăn nuôi đang thua lỗ.
Theo các hộ chăn nuôi, mỗi con lợn 1 tạ sẽ tiêu tốn khoảng 8 báo cám (25 kg/bao) với tổng số tiền gần 2,6 triệu đồng/con. Giá TACN tiếp tục tăng từ 200 – 300 đồng/kg, đồng nghĩa với chi phí chăn nuôi tăng thêm từ 40.000 – 60.000 đồng/con. Trang trại có quy mô càng lớn thì thua lỗ càng nhiều. Giá cám tăng cũng là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi lợn khi đang phải nỗ lực phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ Công thương, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước liên tiếp giảm kể từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay. Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg, giảm 4.000-6.000 đồng/ kg so với cuối tháng 1/2022. Giá lợn giảm do sau Tết nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân giảm mạnh, trong khi sản lượng lợn vẫn liên tục phục hồi, khiến nguồn cung trên thị trường tăng.
Theo nhận định của Bộ Công thương, năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn bởi yếu tố dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp. Đồng thời, chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Dự báo hoạt động sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, vì các biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi đã giúp các nhà chăn nuôi lớn tránh được những đợt bùng dịch quy mô lớn.
Tâm An (Chăn nuôi Việt Nam)