Năm nay, giá bán nhiều sản phẩm chăn nuôi đang về đáy, càng nuôi càng thua lỗ, khiến nông dân tạm dừng kế hoạch tái đàn, nhiều chuồng trại phải bỏ không, dẫn đến nguy cơ thiếu thịt trong dịp Tết sắp tới. Tuy nhiên, theo khẳng định của Cục Chăn nuôi, với tổng đàn lợn khoảng 27 triệu con và các loại thực phẩm khác, chắc chắn đảm bảo nguồn cung cho 100 triệu dân từ nay đến hết Rằm tháng Giêng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 9/2025 đạt 45 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng lên 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 101 triệu USD, tăng 23,6%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 106 triệu USD, tăng 35,9%.
CHI 1 TỶ USD NHẬP KHẨU THỊT
Tuy vậy, cán cân thương mại sản phẩm chăn nuôi vẫn nghiêng về nhập siêu, do nhập khẩu vẫn rất lớn.
Cụ thể, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 9/2023 ước đạt 298 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 9 tháng lên 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Hàn Quốc giảm, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích kỹ hơn từ số liệu của Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong 8 tháng, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu nhiều nhất với 6.890 tấn, trị giá 40,28 triệu USD, giảm 0,7% về lượng nhưng tăng 30% về trị giá. Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tiếp tục tăng mạnh, đạt 3.620 tấn, trị giá 9,39 triệu USD, tăng 347% về lượng và tăng 414,9% về trị giá. Mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như: Trung Quốc, Papua New Guinea, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…
Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam trong, khi chiếm tới 56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 3 quý. Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong 14.170 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 67,67 triệu USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 34,9% về trị giá. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh…
NÔNG DÂN GIẢM TÁI ĐÀN, TẾT CÓ THIẾU THỊT?
Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn để kịp thời cung ứng nguồn thịt vào dịp cuối năm. Thế nhưng không khí chăn nuôi tại các vùng nuôi lợn tập trung ở thời điểm này rất ảm đạm.
Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi phía Nam, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con với gần 3.000 trại và nông hộ, hiện nay nhiều bà con cũng tạm dừng không chăn nuôi.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết hơn 2 tháng nay, giá heo hơi xuống rất thấp, duy trì ở mức dưới 54.000 đồng/kg, thậm chí chỉ bán được giá 48.000 – 49.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng.
“Hiện nay đang là thời điểm nhập heo chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Do giá thấp nên bà con rất e dè nhập heo tái đàn. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh đang đe doạ nghiêm trọng nên bà con cũng không chăn nuôi”, ông Nguyễn Kim Đoán nêu thực trạng.
Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) – nơi nuôi lợn lớn nhất miền Bắc nay cũng rất ít người đưa con giống về. Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, cho biết giá lợn hơi đang giảm sâu nên người dân không tái đàn. “Hiện tổng đàn lợn toàn xã Ngọc Lũ có khoảng 12.000 – 13.000 con của hơn 300 trang trại, hộ gia đình chăn nuôi, giảm hơn 80% so với đầu năm. Nhiều gia đình đã đầu tư trang trại hàng trăm triệu, thậm chỉ hàng tỷ đồng giờ bỏ không đi làm công nhân các khu công nghiệp. Có những gia đình cộng từ số nợ cũ trước đây với nợ mới nên đã phải giao bán nhà, đất.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9/2023, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Chăn nuôi, cho biết vào giữa năm, giá lợn hơi xuất chuồng tăng, có lúc vượt trên 65.000 đồng/kg. Thế nhưng từ cuối tháng 9 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng bất ngờ “quay đầu” giảm mạnh.
Giá lợn hơi trên cả nước giảm do tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lợn lớn ra thị trường, nên giá có sự chênh lệch giữa các vùng. Trong khi đó, sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu. Ngày 8/10, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong 48.000 – 53.000 đồng/kg; khu vực miền Trung có giá 51.000 – 53.000 đồng/kg; miền Nam giá từ 49.000 – 54.000 đồng/kg.
“Với giá quanh mốc 54.000 đồng/kg trở xuống thì người chăn nuôi không có lãi, nếu xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg thì chắc chắn là người chăn nuôi thua lỗ. Tuy vậy, chúng ta phải chấp nhận khi thị trường lên thì chúng ta thắng lợi, khi thị trường xuống thì chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro. Ỏ góc độ quản lý Nhà nước, Cục Chăn nuôi chỉ kiểm soát về tổng đàn, tăng cường chất lượng, giám sát đầu vào, nguyên liệu, chứ không thể can thiệp vào giá bán các sản phẩm chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.
Về việc nông dân không tái đàn vào thời điểm này, khiến nhiều người lo ngại Tết này sẽ thiếu thịt lợn, ông Dương Tất Thắng cho rằng: Sẽ không có câu chuyện thiếu hụt thực phẩm, thịt lợn cuối năm và dịp Tết 2024, bởi khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và khu vực sẽ có sự trao đổi hàng hoá. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các loại thực phẩm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đều giảm do thu nhập hạn chế, dẫn đến giá thịt lợn nhập về sẽ không quá cao, phù hợp với người tiêu dùng nước ta.
“Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 418.930 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt. Việc nhập khẩu thịt lợn hay thực phẩm khác khi chúng ta tham gia vào các Hiệp định thương mại là việc hết sức bình thường. Vấn đề là chúng ta phải giám sát chất lượng, đồng thời phát huy thế mạnh trong nước để xuất khẩu và nhập những mặt hàng chúng ta cần, chúng ta thiếu”, ông Thắng nói.
Theo Cục trưởng Dương Tất Thắng, khi nền kinh tế hạn chế, chi tiêu sẽ cắt giảm theo. Bên cạnh đó, tổng đàn lợn cả nước hiện còn gần 27 triệu con, cùng với đó là các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, trứng, thuỷ hải sản. Do vậy, tổng đàn lợn và các loại thực phẩm chắc chắn đảm bảo nguồn cung cho 100 triệu dân Việt Nam từ nay đến hết Rằm tháng Giêng.
Chu Khôi (vnEconomy)