Giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm, công thêm tôm bị bệnh. Tất cả yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa.
Đà suy giảm của xuất khẩu tôm vẫn chưa dứt
Tháng 4, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước, đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường. Trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ của tôm Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ, EU ghi nhận giảm mạnh nhất, trên 45%. Xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ghi nhận giảm quanh mức 30%.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng. Tính tới tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 159 triệu USD, giảm 45%. Riêng trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt 55 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…
Trong khi đó, chi tiêu dùng của Nhật Bản cũng ghi nhận giảm trong tháng 3 với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm. Tại Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 4 giảm mạnh hơn so với tháng trước đó. Tình hình này gây nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Giá tôm nguyên liệu liên tục giảm
Giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam từ khoảng giữa tháng 4 tiếp tục giảm giảm, gây nhiều áp lực cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Giá tôm nguyên liệu tại một số nước sản xuất tôm chính như Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ cũng có xu hướng tương tự.
Tồn kho cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng từ Ấn Độ, Ecuador trong khi tiêu thụ chậm là một trong những nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu trên thế giới giảm. Tình hình này không chỉ gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất tôm mà cả nhà nhập khẩu, phân phối trên thế giới.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), từ đầu năm đến nay, các ao nuôi tôm bị dịch bệnh tấn côngkhiến tôm chậm lớn và bị thiệt hại đầu con. Gần đây nhất là giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần.
“Giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm, công thêm tôm bị bệnh. Tất cả yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa”, ông Lực cho biết.
Ông Lực nói thêmtồn kho các thị trường lớn tuy có giảm nhưng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để nhanh chóng quay vòng vốn. Đây là một yếu tố tác động không nhỏ làm giá tiêu thụ giảm.
Từ đầu quý II, tôm các nước nuôi ở Nam bán cầu như Ecuador, Indonesia vào vụ sớm, chào hàng sớm như thông lệ, tạo thêm áp lực sức cung khiến gia tăng cường độ giảm giá bán. Phía Việt Nam, tiêu thụ những tháng qua không như kế hoạch khiến hàng tồn kho còn cũng không ít, cũng cần quay vòng vốn nên cũng bị áp lực bán hàng bằng mọi giá.
Giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, khiến các doanh nghiệp đành phải giảm giá mua tôm thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại, nhằm cố gắng duy trì hoạt động để kỳ vọng vượt qua khó khăn.
“Giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ. Cầm chắc lỗ thì ai dám nuôi, đại lý nào dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ thêm bế tắc.Vài tháng nữa tôm thương phẩm sẽ không nhiều, các doanh nghiệp chế biến sẽ không đủ nguyên liệu cho chế biến, trả nợ đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ giảm không nhỏ”, ông Lực nói.
Trong tháng 4,doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 14 triệu USD (330 tỷ đồng), giảm 26% so với cùng kỳ.Luỹ kế 4 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ khoảng 57,2 triệu USD (1.351 tỷ đồng), giảm 26% so với cùng kỳ.
Trong quý I năm nay Sao Ta ghi nhận lợi nhuận tăng 17% so với cùng kỳ lên 49 tỷ đồng dù doanh thu giảm 24% nhờchi phí bán hàng giảm 66% xuống 24 tỷ đồng, trong đó chi phí vận chuyển được tiết giảm tới 60%.
Sao Ta cho biết, trong tháng 4, công ty bắt đầu thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 hecta. Khu mới hơn 200 hecta đang tiến trình làm ao, dự kiến cuối tháng 5 bắt đầu thả nuôi.
“Ông vua” mảng tôm, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) đã có quý lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết với mức lỗ 97 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 90 tỷ đồng).
Doanh thu hợp nhất quý I của Minh Phú đã giảm 50% so với cùng kỳ. Theo giải trình của Thuỷ sản Minh Phú, kết quả kinh doanh “đi xuống” là do các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận hoạt động không hiệu quả. Công ty cũng phải trích trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 76 tỷ đồng trong kỳ.
Tín hiệu tạo đáy từ thị trường Mỹ
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, thị trường Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực. Trang Undercurrent News dẫn số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho thấy khối lượng và kim ngạch nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 3 giảm lần lượt 23% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu trung bình giảm 13% xuống 8,24 USD/kg.
Tuy nhiên, trong tháng 3, giá nhập khẩu đã tăng 1,85% so với tháng 2, đồng thời đây là tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 8/2022.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Siam Canadian Limited ông Jim Gulkin chỉ ra rằng hàng tồn kho đang có xu hướng giảm.
Ông nói: “Chúng tôi được biết các kho lạnh ở Mỹ không còn đầy nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần đến điểm mà các nhà nhập khẩu, bán lẻ và bán buôn của Mỹ sẽ phải bắt đầu xem xét việc tăng cường nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn và chu kỳ đi xuống của ngành tôm sắp kết thúc, giá tôm đã tạo đáy”.
Phó chủ tịch Sea Lion International, ông Donelson Berger cũng đồng tình rằng giá tôm đã chạm đáy.
Ông nói: “Giá tôm đã chạm đáy nhưng vẫn chưa thể bật tăng mạnh mà vẫn giao dịch ở mức thấp. Vẫn còn một số người bán nắm giữ hàng tồn kho từ năm 2022 và trong một số trường hợp, họ cảm thấy tuyệt vọng, do đó tiếp tục giảm giá bán. Chúng tôi có nhiều cách để giải quyết trước khi chi phí và giá bán có thể quay lại. Hàng tồn kho từ năm 2022 đang bắt đầu rút dần”.
Theo VASEP, trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình.
“Dự kiến, đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại”, VASEP nhận định.
Ngành tôm chờ gói tín dụng
Trong bối cảnh hiện tại, VASEP cho rằng doanh nghiệp và bà con cần có sự chia sẻ về giá cả từ mảng thức ăn, con giống, chế phẩm đầu vào cho nuôi tôm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và bà con trong ngành đang rất chờ đợi sự tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trong tháng 5 này.
“Nếu có được gói vay với lãi suất thấp, sẽ có tác dụng kích cầu để doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu cho bà con nông dân. Từ đó, giúp doanh nghiệp chuẩn bị trước để đón đầu thị trường phục hồi trong thời gian tới”, VASEP nhận định.
Theo ông Lực doanh nghiệp chế biến phải tính toán tiết kiệm mọi mặt nhằm giảm giá thành, tăng giá mua tôm thương phẩm, chia sẻ khó khăn người nuôi. Song song là cố gắng tìm các mặt hàng mới có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn nhằm tăng sức cạnh tranh tôm các nước khác, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm thu hút người tiêu dùng.
Về lâu dài, theo ông các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược hoạt động nhằm xây dựng hình ảnh của mình và qua đó sẽ từng bước hình thành hình ảnh chung tôm Việt. Đó là biết coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng đạo đức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, theo đuổi phát triển bền vững.
“Nếu doanh nghiệp đã thực thi thì cố gắng nỗ lực hơn, nếu chưa thực thi thì cố gắng tham gia, chậm còn hơn không. Thời buổi này doanh nghiệp nào giao hàng không bảo đảm quy cách, chất lượng theo hợp đồng hoặc đơn phương hủy hợp đồng không phải để có lợi (trước mắt) cho mình mà là tự “giết” mình. Thế giới phẳng, một chuyện không tốt, dù nhỏ, nhưng sức “lan tỏa” sẽ nhanh và lớn”, ông Lực nói.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)