Phân bố và tác hại
Mọt này có ở nhiều nước trên thế giới. Nó thuộc loại sâu hại không bình thường. Nhiều nước xếp nó vào loại đối tượng kiểm dịch thực vật đối ngoại. Mọt cứng đốt là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước ta.
Mọt phá hại lương thực, đậu các loại, hạt có dầu và nhiều sản phẩm khác. Sâu non ăn rất khỏe, nó cắn vụn và khô rất mạnh. Có khả năng chịu đựng cao với nhiều loại thuốc hóa học, do đó việc phòng trừ nó không phải dễ dàng. Nó sinh sản rất mạnh và có thể làm tổn thất tới 20% khối lượng hạt bảo quản trong kho. Khi gặp điều kiện không thích hợp, một số sâu non ngủ nghỉ có thể chịu được khô rét tới 8 năm.
Đặc điểm hình thái
Dạng trưởng thành: Thân dài 1,7 – 3 mm, rộng 0,9 – 1,7 mm. Hai bên cạnh thân gần như song song, hơi nhô lên óng ánh, màu nâu đỏ sáng, đầu và ngực trước màu sẫm hay màu tối đen. Râu và chân màu sáng hơn.
Mọt hầu như chỉ có một màu hoặc màu sáng không rõ, nhưng lông hơi vàng và hơi trắng làm thành 2 – 3 đường ngang không rõ ở các cánh trên (ở con cái, các đường này thường thấy rõ hơn).
Có những chấm không rõ giữa gốc và các cạnh của mảnh lưng trước. Ở trên các cánh cứng thường không có lông tơ trắng.
Những điểm ở trên đầu và giữa mảnh lưng trước rõ hơn và nhỏ hơn so với mắt kép. Những điểm ở trên cánh trước to hơn những điểm ở trên mặt lưng. Số lượng đốt râu của con đực và con cái thường khác nhau từ 9 – 10 đốt, có hình chùy từ đốt 3 – 5. Chùy râu của các con đực gồm 5 đốt, 2 đốt trong số đó nhìn rõ hơn 3 đốt đỉnh. Đôi khi 2 đốt dính vào nhau.
Trứng: Dài 0,7 mm, rộng 0,25 mm, hình bầu dục, một đầu tròn, một đầu nhọn hơn, có vài mấu loại gai. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, khi phôi thai phát triển, màu vàng sáng.
Sâu non: Khi đẫy sức dài 3 – 4 mm, màu vàng nâu xám, có những đoạn màu nâu, trên lưng xen kẻ những đốt sáng khiến sâu có hình vằn. Ngoài ra có những lông tơ dài màu nâu, cuống quanh từng đốt một. Mút cuối của đuôi có một túm lông tơ dài, ngắn khác nhau. Nhưng chiều dài cả túm lông không quá 3 – 4 lần đốt trước.
Đặc tính sinh vật học
Mọt cứng đốt sống được 10 ngày. Sau khi giao phối mọt cái đẻ trung bình 65 trứng ở nhiệt độ 300C còn ở 32°C đẻ 126 trứng, 94 % số trứng nở ra sâu. Thời gian phát triển của từng thời kỳ phụ thuộc vào độ nhiệt, thời kỳ trứng 5 – 16 ngày, thời kỳ sâu non 26 ngày (lột xác 7 – 8 lần), thời kỳ nhộng 2 – 23 ngày.
Mọt có thể sống được ở điều kiện độ nhiệt và độ ẩm thay đổi lớn. Mọt thực hiện vòng đời ở 21°C kéo dài tới 220 ngày, nhưng ở độ nhiệt 34 – 35°C chỉ có 26 ngày, ngoài ra còn phụ thuộc vào thức ăn.
Sự phá hại của mọt cứng đốt rất mạnh khi nhiệt độ tăng và độ ẩm không khí thấp. Trong điều kiện đó, sự tác hại tăng nhanh và có thể làm hỏng tới 20 % hạt cất giữ sâu non ăn hại sản phẩm bằng hạt, bột, cám,..
Mọt có khả năng chịu đói lâu. Trong điều kiện độ ẩm không khí 50%, độ nhiệt 47,7°C có tới 95% sâu non và mọt trưởng thành chết trong vòng 7 – 16 giờ, còn ở độ nhiệt 55°C thì chỉ sau 8 phút đã chết hoàn toàn.
Sâu non chịu được lạnh tương đối khá, ở độ nhiệt thấp là -21°C nó vẫn có thể sống được trong vòng 4 giờ, và ở 3,8 – 8,8°C có thể sống được 51 ngày.
Mọt cứng đốt lan truyền cùng với hạt giống, hạt làm lương thực dự trữ, bột, bao bì và phương tiện vận chuyển. Vì thế trong quá trình làm công tác kiểm dịch, phải phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý tích cực và triệt để, không cho mọt cứng đốt lây lan và phát triển ở nước ta sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng.
Mọt có khả năng bò ra ngoài và ẩn nấp ở các khe hở của kho và những chỗ khác của kho, làm cho việc xử lý thuốc hóa học có những khó khăn nhất định, ngoài ra mọt có khả năng chống chịu khá tốt với nhiều loại thuốc hóa học, vì vậy phải sử dụng đúng liều lượng quy định.
Tác giả bài viết: Vũ Quốc Trung
Nguồn tin: Đại học Cần Thơ