Nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, mức thuế chống trợ cấp đối với các mặt hàng sẽ giảm mạnh, đặc biệt là nhóm thuỷ sản.
Ngành tôm có thể được giảm thuế
Theo Reuters, ngày 8/5 (giờ địa phương), Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe điều trần về việc có nên công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” hay không. Việt Nam hiện đang cùng Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác nằm trong danh sách nền kinh tế phi thị trường và chịu thuế chống bán phá giá cao hơn.
Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam. Trong khi đó, thuế đối với tôm từ Thái Lan, một nền kinh tế thị trường, chỉ ở mức 5,34%.
Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với hàng nhập khẩu của Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết Mỹ sẽ đưa ra phán quyết thuế chống trợ cấp đối với Việt Nam vào tháng 8 tới. Giả sử Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường trước thời hạn này, mức thuế đối với Việt Nam sẽ giảm mạnh. Bởi Mỹ sẽ dựa vào số liệu thực tế trong sản xuất tôm tại Việt Nam, thay vì đối chiếu với một nước thứ ba.
Trước đó, ngày 26/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, ba trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ có thể sẽ buộc phải đặt cọc thuế chống trợ cấp sơ bộ dao động từ 2% -196%.
Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.
Ông Lực cho biết DOC dựa vào 4 tiêu chí để đánh giá việc tôm của một quốc gia có được trợ cấp hay không. Trong đó có hai tiêu chí quan trọng là ưu đãi lãi suất và thuế đất.
Riêng phần ưu đãi lãi suất, trong quyết định về mức thuế tạm tính đưa ra hồi tháng 3, DOC vẫn đang bỏ ngỏ phần này. Họ đang chờ kết luận về phán quyết công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để đưa ra quyết định tiếp theo.
Bên cạnh đó, trường hợp lãi suất áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp ở các ngành nghề, không phải riêng ngành thuỷ sản thì không đáng lo ngại. Còn phần chi phí đất, Việt Nam sẽ được dùng số liệu thực tế thay vì đối chiếu với nước thứ ba.
“Nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, các số liệu đầu vào để xem xét tôm Việt Nam có được trợ cấp hay không sẽ giảm xuống rất nhiều. Ví dụ giá thuê đất của Việt Nam thực tế rất thấp nhưng bị đối chiếu với quốc gia khác với giá “trên trời”. Tất cả vụ kiện sẽ được tính trên giá trị được thực hiện thực tế tại Việt Nam chứ không phải trên giá trị thay thế của nước khác. Điều này là lợi thế rất lớn và thuế chống trợ cấp có khả năng sẽ giảm xuống nữa”, ông Lực nói.
Theo Reuters, việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đang vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất tôm, nhưng lại được những nhà bán lẻ và nhóm kinh doanh khác ủng hộ.
Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, cơ quan ủng hộ việc nâng cấp nền kinh tế Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường”.
“Nước này đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng được công nhận chính thức”, ông nói thêm. “Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì nhận ra tiềm năng tăng trưởng”.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe tranh luận từ cả hai bên trong phiên điều trần vào ngày 8/5 tại Washington và sẽ hoàn thành đánh giá vào cuối tháng 7/2024.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong quý I, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 121 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.
Theo VASEP, doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.
So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.
Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Sao Ta cũng tỏ ra lo ngại khi mới đây DOC quyết định giảm thuế chống trợ cấp cho tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador.
Theo đó, các quan chức DOC cho biết sẽ giảm thuế cho các nhà nhập khẩu tôm của Santa Priscila từ 13,41% xuống 2,89%; Công ty Sociedad Nacional de Galapagos (SONGA) vẫn giữ nguyên mức thuế 1,69% và được miễn ký quỹ.
Đồng thời, tôm nhập khẩu từ các công ty còn lại của Ecuador sẽ chịu mức CVD 2,89%, thay vì 7,55% như quyết định sơ bộ thông báo trước đó.
Mức thuế toàn quốc của Ecuador gần như tương đương với Việt Nam trong khi sức ép về sản lượng và giá bán từ nước này lại vô cùng lớn.
Trong thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng vào tháng 8, đại diện Sao Ta cho biết công ty sẽ tập trung bán ở thị trường Mỹ những mặt hàng không vướng thuế như tôm tẩm bột, tôm chiên hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)