Chăn nuôi năm 2023 cơ bản ổn định về đầu con, không có dịch bệnh lớn nhưng gía bán các sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp khiến người chăn nuôi và doanh nghiệp thua lỗ.

1. Đàn vật nuôi cơ bản ổn định

Năm 2023, nhìn chung tình hình chăn nuôi trâu, bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm (từ thời điểm tháng 6 đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá) nhưng chưa đáng kể vẫn ở mức cao; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.

Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi: tổng đàn lợn ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại). Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.

2. Sản xuất thức ăn chăn nuôi ước đạt 20 triệu tấn

Sản lượng thức ăn công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022). Thức ăn cho lợn đạt 11,15 triệu tấn (chiếm khoảng 55,7%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 8,17 triệu tấn (chiếm khoảng 40,8%), còn lại là thức ăn cho vật nuôi khác (chiếm khoảng 3,4%) Trong năm 2023, giá các nguyên liệu TACN chính đều giảm so với năm 2022, cụ thể: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); DDGS 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%). Tuy nhiên, so với năm 2022 giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).

Mặc dù giá nguyên liệu TACN trung bình cả năm 2023 giảm so với năm 2022, nhưng giá TACN hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do giá TACN hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay (khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều).

3. Thị trường sản phẩm chăn nuôi

a) Giá lợn thịt hơi xuất chuồng thấp

Giá lợn hơi xuất chuồng trung bình tháng 11 đạt 51 nghìn đồng/kg tương đương giá tháng 10. Tại thời điểm tuần đầu tháng 12/2023, giá lợn hơi trung bình cả nước là 48 nghìn đồng/kg – là mức giá thấp nhất trong năm 2023. Mức giá này thấp hơn khoảng 13 nghìn đồng /kg so với thời điểm giá lợn cao nhất năm (tháng 7/2023 với giá trung bình cả nước 61 nghìn đồng/kg, thậm chí tại một số tỉnh miền Bắc thời điểm đó giá cao nhất 68 nghìn đồng/kg). Mặc dù 2 tuần trở lại đây, giá lợn hơi đã tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg đưa giá lợn trung bình trong 15 ngày đầu tháng 12 là 49 nghìn đồng/kg, thấp hơn 3 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ 2022. Trong khi, giá thành sản xuất 01kg lợn hơi dao động từ 45-52 nghìn đồng /kg, với mức giá này, mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Số liệu thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cho thấy giá lợn hơi năm 2022 và 2023 khá đồng nhất về xu hướng biến động theo tháng kể từ tháng 03 và giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022 ngoại trừ tháng 6.

Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 chênh lệch từ 400 đồng đến 6.600 đồng/kg so với năm 2022; cao nhất tại thời điểm tháng 7 (bình quân 61.000 đồng/kg) thấp hơn 4.600 đồng/kg so với cùng kỳ 2022; tháng 11/2023 giá lợn hơi trung bình 51.000 đồng/kg thấp hơn 2.400 đồng/kg so với tháng 11/2022; giá lợn hơi trung bình nửa đầu tháng 12/2023 đang thấp hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2022.

Hiện nay, mức giá lợn hơi của Việt Nam tương đương giá lợn hơi tại Thái Lan nhưng thấp hơn Trung Quốc từ 01-03 nghìn đồng/kg và cao hơn giá tại Campuchia khoảng 05-08 nghìn đồng/kg. Mức giá lợn tại Việt Nam cao hơn giá lợn hơi xuất chuồng tại một số nước xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vào thị trường Việt Nam. Giá tại Mỹ trung bình 33-34 nghìn đồng/kg; tại Nga 36 nghìn đồng/kg, Braxin 34-35 nghìn đồng/kg.

Giá lợn giống: Giá lợn giống duy trì trong 6 tháng đầu năm dao động 1,1-1,3 triệu đồng/con. Thời điểm tháng 7/2023 là khi giá lợn hơi xuất chuồng cao nhất năm 2023 thì giá lợn giống trung bình dao động từ 1,25-1,6 triệu đồng/con tùy thuộc vào biểu cân và vùng miền. Hiện nay, giá lợn giống công ty dao động từ 1,4-1,65 triệu đồng/con; trong khi giá lợn giống trong dân 1,2-1,55 triệu đồng/con (biểu 6-7kg/con), miền Bắc giá cao hơn miền Nam từ 100 đến 300 nghìn đồng/con.

Nguyên nhân giảm giá lợn hơi: Hiện tượng giá lợn hơi giảm ngang hoặc dưới giá thành sản xuất trong thời gian gần đây là do:

(1) Sức mua thực phẩm của người dân nhìn chung giảm nhẹ so với trước đây do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng khi lạm phát tăng (lãi suất vay tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng). Sức tiêu thụ thực phẩm của các khu công nghiệp giảm mạnh do nhiều công ty giảm quy mô sản xuất (giảm đơn hàng của đối tác nhập khẩu, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao).

(2) Nguồn cung lợn thịt trong nước tăng vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 do tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao.

(3) Tâm lý của người chăn nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn Châu phi: Tính đến hết 30/11/2023, cả nước xuất hiện hơn 530 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhưng chủ yếu tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ, số lợn dịch buộc tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,04% tổng đàn lợn (hơn 20.000 con), nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý người chăn nuôi và người tiêu dùng. Điều này đã tác động trực tiếp lên giá lợn hơi xuất chuồng thời gian qua.

(4) Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu lợn sống, sản phẩm thịt lợn qua khu vực đường mòn, lối mở vẫn diễn ra tại một số địa phương, gây áp lực đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước do phải cạnh tranh sản phẩm nhập lậu giá rẻ, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn trong nước.

(5) Chưa có cơ chế đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn. Mặc dù giá lợn hơi tại cổng trại giảm nhưng giá thịt tại các siêu thị, các cơ sở/điểm bán lẻ gần như không giảm. Điều này có lợi cho thương lái, chủ lò mổ và người bán lẻ thịt nhưng không có lợi cho cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng thực phẩm.

b) Giá sản phẩm gia cầm:

Đối với gà lông màu nuôi công nghiệp: Từ tháng 8/2023 trở lại đây, giá gà thịt lông màu hơi xuất chuồng có sự chênh lệch lớn giữa các miền; miền Nam (dao động từ 38.000-44.000 đồng/kg) thấp hơn so với 2 miền còn lại (dao động từ 55.000-62.000 đồng/kg). Giá trung bình tháng 11/2023 đạt 54.000 đồng/kg, cao hơn 18.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng thấp hơn 1.000 đồng so với tháng 10/2023; trong 02 tuần đầu tháng 12/2023, giá gà lông màu bình quân giảm 6.000 đồng/kg so với trung bình tháng 11/2023. Tuy nhiên, khi so sánh với các tháng tương ứng năm 2022, trong 3 tháng gần đây, giá gà lông màu cao hơn cùng kỳ từ 11.000-22.000 đ/kg.

– Giá gà công nghiệp lông trắng: với giá thành sản xuất dao động 30.000-33.000đ/kg thịt hơi, kể từ giữa tháng 10 đến nay, giá bán sản phẩm đều thấp hơn giá thành sản xuất. Giá thịt gà lông trắng trung bình tháng 11/2023 là 23.000 /kg thấp hơn 7.000 đồng/kg so với tháng trước và thấp hơn 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù những ngày đầu tháng 12, giá gà lông trắng đã tăng nhẹ và đạt trung bình 26.000 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất từ 4.000-7.000 đồng/kg. So sánh với các tháng cùng kỳ năm 2022, giá thịt gà trắng năm 2023 tương đương trong 2 tháng đầu, nhưng thấp hơn 2.000-7.000đ/kg kể từ tháng 3.

c) Giá thịt bò hơi xuất chuồng duy trì ổn định ở mức thấp, trung bình 000-82.000 đồng/kg tùy theo giống bò và vùng miền.

4. Tình hình xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

a) Tình hình nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2023

– Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6%.

So với cùng kỳ 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn tăng 85,2%; phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm bò tăng từ 25,8%. Gần 2 năm trở lại đây, chúng ta đang giảm mạnh nhập khẩu trâu bò sống dùng để giết mổ (năm 2022 chỉ nhập bằng 49,5% so với năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2023 chỉ nhập bằng 43,7% so với cùng kỳ 2022).

Bảng 2. Nhập khẩu thịt và phụ phẩm vật nuôi giai đoạn 2021- 14/11/2023

Nguồn: tổng hợp từ TT. Chuyển đổi số và Thống kê NN và AgroMonitor

– Đối với nhập khẩu con giống:

+ Lượng lợn giống nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022 là 6.527 con lợn cái giống và 1.375 con lợn đực giống; 11 tháng đầu năm 2023, chúng ta nhập 3.746 lợn cái giống và 1.611 lợn đực giống.

+ Lượng gà giống bố mẹ (gà trắng thịt và gà màu thịt) nhập khẩu về Việt Nam năm 2022 là 2.919.811 con; 11 tháng đầu năm chúng ta nhập khẩu trên 2,68 triệu con gà giống lông trắng và gà giống lông màu cấp bố mẹ. Lượng gà hướng trứng giống nhập khẩu về Việt Nam 11 tháng đầu năm 2023 là 429,5 nghìn con.

+ Lượng bò giống nhập khẩu về Việt Nam: 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập 24.340 con bò giống (bò thịt là 22.399 con và bò sữa là 1.941 con). (Năm 2021 cả nước nhập 18.731 con (trong đó 14.442 con bò thịt và 4.289 con bò sữa); năm 2022 là 9.997 con (5.822 bò thịt và 4.175 bò sữa).

Bảng 3. Xuất khẩu lợn giống và gà giống giai đoạn 2022- T11/2023

Nguồn: tổng hợp từ TT. Chuyển đổi số và Thống kê NN và AgroMonitor

– Đối với TACN: Ước tính cả năm 2023, nước ta nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu TACN (tương đương 6,8 tỷ USD) (chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật), trong đó một số nguyên liệu nhập khẩu chính: ngô hạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD), khô dầu các loại 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD), lúa mì + lúa mạch 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD), DDGS 1,15 triệu tấn (tương đương 394 triệu USD), cám các loại 474 nghìn tấn (tương đương 110 triệu USD), tấm + gạo 414 nghìn tấn (tương đương 145 triệu USD), đậu tương hạt 343 nghìn tấn (tương đương 226 triệu USD), thức ăn bổ sung 527 nghìn tấn (tương đương 574 triệu USD).

tổng hợp từ tài liệu của Cục Chăn nuôi

H.N (Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam)

11 tháng đầu năm 2023: Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 22%

Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 402 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022, là nhóm lĩnh vực tăng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp). Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 113 triệu USD, tăng 26%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 123 triệu USD, tăng 36,4%

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm tăng mạnh, đạt 4,08 nghìn tấn, trị giá 10,55 triệu USD, tăng 250,5% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.