Chính sách tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục vận hành theo hướng linh hoạt, giúp tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, không ít lo ngại rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine, sự thay đổi về chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia… có thể khiến mục tiêu điều hành tỷ giá gặp nhiều thách thức hơn.

FED tăng lãi suất sẽ có tác động đến tỷ giá tại Việt Nam nhưng không nhiều do đã được dự báo từ trước. Ảnh: ST

Tỷ giá trước những “con sóng”

Cuối năm 2021, tỷ giá VND/USD ghi nhận đợt biến động với biên độ lớn, tăng tới 1% cả trên thị trường liên ngân hàng và niêm yết tại ngân hàng khi thị trường đón nhận thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất từ năm 2022. Điều này đã khiến NHNN phải giảm mạnh giá bán USD trên Sở giao dịch hàng hóa NHNN để giúp trấn an tâm lý thị trường. Bước sang năm 2022, ngay từ tháng đầu tiên, NHNN đã phải điều chỉnh giảm 100 VND/USD ở chiều mua vào ngoại tệ trên Sở giao dịch hàng hóa, đồng thời ban hành chính sách bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng có huỷ ngang với giá 23.050 VND/USD.

Những động thái điều chỉnh chính sách tỷ giá của NHNN từ cuối năm 2021 và ngay từ đầu năm 2022 dù đã giúp thị trường tỷ giá VND/USD được ổn định trở lại ngay khi bước vào “sóng” tăng giá, nhưng cũng đã có sự biến động hơn so với một năm yên bình 2021 trước đó. Nên tính đến ngày 22/3, tỷ giá trung tâm và tỷ giá VND/USD giao dịch thực tế tại ngân hàng thương mại vẫn có xu hướng tăng, lần lượt ở mức gần 0,1% và 0,3% so với phiên đầu năm 2022. Khảo sát trên thị trường cho thấy, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại đã vượt lên 23.000 VND/USD. Bên cạnh đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng có xu hướng tăng, hiện tỷ giá USD tự do mua vào đứng ở mức 23.430 VND/USD, giá bán ra quanh mức 23.450 VND/USD.

Mới đây, FED đã nâng lãi suất 0,25 điểm %, từ khoảng 0-0,25% trước đó lên 0,25-0,5%. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên của FED kể từ năm 2018. Ngoài ra, FOMC (Ủy ban Thị trường mở Liên bang) cũng đưa ra tín hiện về lộ trình 6 lần nâng lãi suất trong năm nay và mức tăng đồng thuận đến cuối năm nay sẽ là 1,9%. FOMC còn dự kiến sẽ thực hiện 3 lần nâng lãi suất nữa vào năm 2023 và không tiếp tục vào năm sau đó. Điều này đã khiến chỉ số USD Index tăng lên vùng cao nhất kể từ tháng 5/2020. Do vậy, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, FED nâng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá trong ít nhất nửa đầu năm tới, khiến đồng nội tệ của các nước, nhất là thị trường mới nổi mất giá tương ứng. Ngoài ra, do lạm phát nội tại đang ở mức cao, nên nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ tăng lãi suất. Một số ngân hàng trung ương tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga… đã hành động theo hướng này. Mặt khác, theo một số chuyên gia, sự thay đổi về chính sách tiền tệ của FED, cùng với rủi ro về tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine… có thể khiến VND chịu áp lực giảm giá.

Những “bộ đệm” hỗ trợ

Mặc dù lo ngại là có cơ sở, nhưng cơ sở để tỷ giá trong nước ổn định lại có phần nhiều hơn. Theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá Việt Nam đã tăng theo những biến số trên thị trường trong thời gian qua. Dù vậy, áp lực với tỷ giá năm nay sẽ không lớn, do kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá tốt, với mức tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5-7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ, Quốc hội đã thông qua. Ngoài ra, lạm phát thấp, cung – cầu ngoại tệ ổn định, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư… sẽ là những động lực tốt cho tỷ giá cân bằng.

Trên thực tế, biến động của tỷ giá hoàn toàn dựa trên cung – cầu ngoại tệ. Do đó, điểm đáng mừng nhất là tỷ giá trong nước được hỗ trợ bởi “bộ đệm” vững chắc là dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục, khoảng 110 tỷ USD, tương ứng khoảng 17 tuần nhập khẩu, cao hơn rất nhiều mức 9-12 tuần những năm trước đây. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối của một quốc gia sẽ bị coi là thấp nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 8 tuần nhập khẩu, từ 8-12 tuần nhập khẩu là mức tối thiểu, từ 16-24 tuần là mức cao. Dự trữ ngoại hối ở mức 12 tuần nhập khẩu của Việt Nam được đánh giá là đảm bảo theo thông lệ quốc tế, đủ sức chống đỡ các cú sốc ngắn hạn.

NHNN đã liên tục mua vào ngoại tệ để nâng cao quỹ dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây. Hơn nữa, việc Mỹ loại Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ và quyết định gia tăng mối quan hệ thương mại song phương là tín hiệu tốt cho chính sách gia tăng dự trữ ngoại hối của NHNN. Đặc biệt, ngày 9/3, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ giữa Ngân sách Nhà nước và dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện mua, bán ngoại tệ của ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022; cùng với đó là việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FED) đang tăng mạnh cũng sẽ hỗ trợ tỷ giá…

Vì thế, TS. Cấn Văn Lực khẳng định, tỷ giá năm 2022 sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Dự báo, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5-1% so với năm 2021. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, USD đang tăng giá nên các quốc gia sẽ phải phá giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá nước ta. Dù vậy, do tăng trưởng tín dụng vẫn được kiểm soát, các gói hỗ trợ bơm tiền dự báo không nhiều nên áp lực lạm phát không lớn. Trong hoàn cảnh đó, NHNN sẽ giữ ổn định tương đối tỷ giá và lãi suất.

Trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, áp lực đối với tỷ giá VND/USD sẽ có xu hướng tăng, nhưng vẫn trong biên độ kiểm soát. Hơn nữa, theo các chuyên gia, việc giữ ổn định tỷ giá sẽ hỗ trợ quan trọng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế vĩ mô, tăng khả năng thu hút đầu tư, giảm áp lực lên nhập khẩu, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải chủ động xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống. Trong đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú trọng vấn đề phòng vệ rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.

Bình Nam (Hải Quan)