VASEP nhận định thị trường cá tra đang phục hồi sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự báo quý II năm nay xuất khẩu cá tra tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) mới đây nhận định xuất khẩu cá tra trong quý II sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ các tín hiệu tốt của thị trường.
“Chúng tôi đang nhìn thấy sự phục hồi của xuất khẩu cá tra sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự báo quý II năm nay xuất khẩu cá tra tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái”, VASEP nhận định.
Tuy nhiên, VASEP tỏ ra quan ngại khi những thuận lợi của thị trường không đủ để kéo lại chi phí đầu vào đang tăng cao, đặc biệt cước vận tải, kho bãi.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh ở hầu hết thị trường lớn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 385 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số.
Trong đó, tính tới hết tháng 2, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2, giá trị xuất khẩu đạt gần 42 triệu USD, tăng 167%. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.
VASEP dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 – 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ.
VASEP kỳ vọng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, tiêu thụ cá tra ở Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm lên 86 triệu USD mặc dù bị kiểm soát chặt.
Tại châu Âu, sau ít nhất 2 năm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm sút, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng.
Trước khi dịch COVID-19 đến tâm điểm Châu Âu, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đã bộc lộ nhiều điểm thiếu hấp dẫn khi nhiều tháng liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu rơi xuống mức âm. Nhưng bắt đầu từ năm 2022, có những hy vọng trở lại ở thị trường này.
Hai tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp cá tra trúng đậm
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với tổng doanh thu đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước nhờ đà tăng của tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường Việt Nam và Mỹ ghi nhận tăng trưởng tới ba chữ số.
Doanh thu tại thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu (58%) với 627 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu sản phẩm, doanh thu từ cá tra đạt 785 tỷ đồng, tăng 160% so với tháng 2/2021. Sản phẩm khác ghi nhận mức tăng đột biến 852% lên 118 tỷ đồng. Sản phẩm phụ tăng 29%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 18%, bánh phồng tôm tăng 87% trong khi sản phẩm giá trị gia tăng giảm 38%.
Lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu Vĩnh Hoàn (bao gồm cả Sa Giang) đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI, công ty kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay cao kỷ lục với doanh thu thuần năm 2022 lên tới 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng.
Năm ngoái, kết quả kinh doanh của IDI chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 5.719 tỷ đồng và143 tỷ đồng do chịu tác động bởi dịch COVID-19.
H.Mĩ (Doanh nghiệp Niêm yết)