Từng có lợi thế trong lạm phát nhờ giá mềm, sức mua cá tra đã yếu dần từ quý III và chạm kim ngạch thấp nhất năm vào tháng 10.
Mười tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, kết quả này phần lớn nhờ vào mức nền so sánh thấp của năm ngoái và kim ngạch tăng mạnh trong nửa đầu năm, với 5 trên 6 tháng đạt hơn 200 triệu USD.
Từ quý III, đầu ra của cá tra yếu dần và tiếp tục xu hướng đi xuống đến nay. Tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 159 triệu USD, vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là mức thấp nhất từ đầu năm, và chỉ xấp xỉ một nửa so với mức đỉnh 310 triệu USD đạt được hồi tháng 4.
Cùng với đó, mức tăng trưởng xuất khẩu của tháng 10 so với cùng kỳ năm trước cũng là mức thấp nhất trong các tháng, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep). Hiệp hội này cho rằng những tín hiệu thị trường hiện không còn tích cực như giai đoạn nửa đầu năm.
“Nhu cầu đang giảm dần qua từng tháng, nhất là tại các thị trường Mỹ, EU, Anh, thậm chí ở cả những thị trường vốn có lợi thế về thuế quan (CPTPP) hoặc lợi thế về địa lý”, Vasep nhận định.
Chiếm 23% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam, tiêu thụ của Mỹ tháng trước giảm gần 25% xuống còn 32 triệu USD. Thực tế từ tháng 7, xuất khẩu cá tra sang đây chỉ dao động 32-33 triệu USD mỗi tháng, giảm mạnh so với mức đỉnh 81 triệu USD của tháng 4.
Theo SSI, trong khi giá bán bình quân sang thị trường Mỹ tiếp tục duy trì mức cao là 5 USD mỗi kg trong quý III (so với 4,80 USD mỗi kg trong quý II), sản lượng xuất khẩu sang nước này giảm do lạm phát cao và tồn kho của các khách hàng nhập khẩu vẫn ở mức cao.
Với EU và Đông Nam Á, hướng tiêu thụ của các thị trường có sự tăng giảm khác nhau trong tháng 10. Vasep cho hay, trong khi xuất khẩu sang Bỉ giảm 25% thì sang Đức lại tăng đột biến 384%, còn Hà Lan nhích nhẹ 10%.
Ngoài ra, trong tháng qua, theo Vasep, xuất khẩu sang những thị trường nhỏ vốn được coi là tiềm năng những năm gần đây như Mexico, Malaysia, Colombia, Arab Saudi…đều bị giảm từ 13-53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá triển vọng xuất khẩu cá tra thời gian tới, điểm được kỳ vọng hàng đầu là Trung Quốc, nơi chiếm 30% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Vasep cho rằng trong xu hướng trầm xuống ở các thị trường, vẫn còn niềm hy vọng với thị trường trụ cột là Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Tháng qua, kim ngạch từ hai thị trường này tăng lần lượt 23% và 123%.
Quý III, doanh thu bán cá tra sang Trung Quốc của một số doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn tăng 28% so với cùng kỳ 2021 và 6% so với quý II nhờ nền kinh tế nước này mở cửa tích cực hơn.
Chứng khoán KIS cho rằng tương lai của thị trường Trung Quốc khá triển vọng nhờ vào việc giới chức nước này đã bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Đây được xem là một bước nhằm nới lỏng quá trình nhập khẩu vào đây từ giữa năm 2022.
Ngoài Trung Quốc, Vasep cho hay vẫn có những thị trường nhỏ đang tăng trưởng tích cực. Chẳng hạn tháng trước, xuất khẩu cá tra sang Nga tăng 5 lần, Thái Lan tăng 13%. Nhìn chung, với đà sụt giảm đến tháng 10, hiệp hội này dự báo xuất khẩu cá tra năm nay có thể đạt khoảng 2,45-2,5 tỷ USD, tăng 54% so với 2021.
Dỹ Tùng (vnexpress)