Trong khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Trung Quốc tăng 84% từ năm 2018 tới năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh tăng 143%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc & Hồng Kông đạt 712 triệu USD, tăng 58% so với năm 2021.
Hai dòng sản phẩm chính xuất khẩu sang Trung Quốc là cá tra phile đông lạnh chiếm trên 74% giá trị với 531 triệu USD và cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh chiếm khoảng trên 25% với gần 180 triệu USD.
Trong các thị trường chính nhập khẩu cá tra, riêng thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh cao nhất. Trong 5 năm qua, xu hướng nhập khẩu sản phẩm này tăng mạnh hơn so với cá tra phile đông lạnh.
Trong khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Trung Quốc tăng 84% từ năm 2018 tới năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh tăng 143%.
Năm 2018, xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh chỉ chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, tới năm 2022 tỷ trọng lên tới 25%. Trong khi đó, tỷ trọng của cá tra phile giảm từ 88% năm 2019 xuống 75% trong 2 năm gần đây.
Các địa phương tại Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm cá tra nguyên con đông lạnh của Việt Nam gồm Quảng Đông, Sơn Đông, Thượng Hải, Triết Giang, Hồ Nam và An Huy…
Đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh, nhập khẩu vào Quảng Đông cũng chiếm tỷ trọng cao nhất 28%.
Quảng Đông, Sơn Đông, Phúc Kiến cũng là những địa phương có ngành sản xuất và chế biến thủy sản phát triển ở Trung Quốc. Là nước tiêu thụ thuỷ sản lớn, nhưng Trung Quốc cũng là một cường quốc về chế biến thủy sản với khoảng 9,2-9,3 nghìn cơ sở chế biến, tổng công suất 28,5 triệu tấn/năm.
Những năm gần đây Trung Quốc chế biến 21- 22 triệu tấn thuỷ sản (80% là cá biển, 20% là cá nước ngọt). Ngoài việc nhập khẩu cá tra để để tiêu thụ trong nước, Trung Quốc cũng dùng cho mục đích chế biến xuất khẩu, nhất là sản phẩm cá tra nguyên con. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2022 xuất khẩu cá tra phile đông lạnh của nước này đạt 8,2 triệu USD.
VASEP cho rằng sau 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng trở lại vào năm 2023 và kim ngạch nhập khẩu nhiều chủng loại sẽ đạt mức cao mới. Với thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ của Trung Quốc, ngành thủy sản nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi đáng kể vào năm 2023.
Năm 2022, cá đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 45,4% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Trong tương lai, các sản phẩm cá đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tôm, cá minh thái, mực, cá tra, cá hồi đều là những mặt hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn và cũng được ưa chuộng tại các kênh như chợ đầu mối, dịch vụ ăn uống, siêu thị, kênh bán lẻ mới: thương mại điện tử…
H.Mĩ (Doanh nghiệp & Kinh doanh)