Xuất khẩu thủy sản Việt sang Trung Quốc năm nay sụt giảm nhưng triển vọng và dư địa ở thị trường này vẫn rộng mở, theo VASEP.
Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường này luôn trong top 3 nhà nhập khẩu nhiều nhất, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản.
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt kỷ lục về doanh số lẫn tăng trưởng, lần lượt là 1,6 tỷ USD và 66%. Tuy nhiên, do giá giảm và tồn kho cao, kim ngạch 9 tháng đầu năm nay giảm 18%, chỉ đạt một tỷ USD.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây nhận định 2023 và những năm tới đang có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Đầu tiên, nhu cầu thủy sản ở Trung Quốc đang hồi phục khi kinh tế có tín hiệu tích cực. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, giúp chi phí logistics giảm và ít hơn so với các nước khác nên là cơ hội cạnh tranh cho thủy sản trong lúc nước này cũng tìm thêm nguồn cung mới thay thế hàng nhập từ Nhật Bản.
Thứ hai, nước này cũng đang chuyển dịch trong đầu tư đến các ngành sinh lợi cao hơn nên nuôi trồng thủy sản giảm. Do vậy, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu giống như các nước phương Tây. Biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng khiến nhu cầu tiêu thụ của Mỹ, EU, Nhật Bản giảm nhưng Trung Quốc vẫn tăng lên.
Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, đã chi ra 14,14 tỷ USD để mua thủy sản từ nước ngoài năm ngoái, tăng 14,7% so với 2021, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này.
Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho biết nhập khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so với cùng kỳ, lên 12,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ bảy. VASEP cho hay, năm nay các mặt hàng chủ lực của Việt Nam bán sang đây giảm như cá tra, tôm hùm, mực, cua nhưng vẫn có nhiều loài tăng mạnh như tôm chân trắng, tôm sú, ruốc, cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, cá mắt kiếng, bạch tuộc, nghêu.
Theo VASEP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xác định thị trường Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng. Nhiều địa phương như Quảng Đông, Trạm Giang, Quảng Tây, Phúc Kiến, Thượng Hải là các thị trường tiêu thụ nhiều.
Để tận dụng tốt cơ hội, hiệp hội cho rằng cần có trao đổi thông tin, nhu cầu nhiều hơn ở cấp địa phương. Đặc biệt, cần có những thay đổi về chính sách như mở rộng danh sách các sản phẩm thủy sản được xuất khẩu, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống như tôm hùm bông, cua. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm hạ tầng logistics từ kết nối đường bộ, đường sắt và hợp tác xây dựng các kho lạnh.
Dỹ Tùng (vnExpress.net)