Hoạt động thương mại toàn cầu bị tổn thất không khác gì sau chiến tranh. Chuỗi cung ứng trên thế giới, từng bị tổn thương sâu sắc, dù đang hồi phục nhưng vẫn rất ‘đau đớn’, khiến lạm phát trở nên nghiêm trọng đến mức các ngân hàng trung ương hết sức bối rối.
Đang xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm nhiễu loạn các dự báo về lạm phát của các ngân hàng trung ương, hạn chế đà phục hồi kinh tế và thu hẹp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Các kênh thương mại đã trở nên tắc nghẽn đến mức có thể sẽ kéo dài đến năm 2023, khi hoạt động kinh doanh của các ngành trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch (giả định rằng đại dịch sẽ không gây tổn thất nhiều hơn nữa). “Chúng tôi hy vọng vào nửa cuối năm nay, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu hụt hàng hóa sẽ giảm dần”, CEO của tập đoàn thực phẩm Kellogg, ông Steve Cahillane nói. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng “Phải đến năm 2024 chuỗi cung ứng mới trở lại bình thường, bởi mọi thứ đã bị ‘biến dạng’”. Hệ thống thương mại toàn cầu chưa bao giờ phải đối mặt với bất cứ thứ gì tương tự như đại dịch Covid-19. Bắt đầu từ năm 2020, các công ty đã phản ứng với sự suy thoái kinh tế bằng cách hủy bỏ kế hoạch sản xuất cho năm tiếp theo. Tổn thất của điều này chỉ được hạn chế bởi nhu cầu tăng cao nhờ việc triển khai tiêm chủng vắc – xin một cách nhanh chóng và các chương trình kích thích kinh tế – tài chính trên diện rộng ở khắp nơi trên thế giới để kích thích người dân chi tiêu. Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 đã dẫn tới tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa, và chi tiêu của người tiêu dùng chuyển hướng từ dịch vụ sang hàng hóa. Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ví sự ‘sụp đổ’ này giống như hậu quả của Thế chiến thứ hai, khi nhu cầu bùng nổ và các công ty phải nhanh chóng khôi phục lại sản xuất theo hướng chuyển từ hàng quân sự sang hàng dân dụng. Các nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu như Đức đã bị tổn thất lớn do sự hồi phục kinh tế bị kìm hãm bởi tắc nghẽn chuối cung ứng khiến các nhà máy của họ thiếu nguyên liệu trầm trọng, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao và giá nhiên liệu tăng vọt đẩy lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Những thông điệp trái chiều về chuỗi cung ứng Giờ đây, biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh chóng nhưng gây ra những triệu chứng nhẹ hơn cho người mắc, cho phép các cơ quan chức năng nới lỏng các hạn chế chống Covid-19, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung vẫn trong tình trạng khó khăn và có thể sẽ còn tiếp tục không ổn định. Kết quả khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ (ISM) cồn bố mới đây cho thấy những dấu hiệu hoạt động giao hàng từ các nhà cung cấp của Mỹ được cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi các nhà nhập khẩu châu Âu cũng cho biết áp lực về nguồn cung đã giảm bớt. Thông tin từ IHS Markit cho biết: “Mặc dù những hạn chế trong chuỗi cung ứng tiếp tục cản trở tăng trưởng, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy giai đoạn khó khăn nhất đã lùi về phía sau, một yếu tố góp phần làm giảm nhẹ lạm phát giá mua hàng”. Những tín hiệu đó khiến các ngân hàng trung ương gia tăng kỳ vọng rằng áp lực lạm phát sẽ giảm một cách rõ rệt vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các tín hiệu phát đi từ các thị trường cho thấy những thông điệp trái chiều, tốt xấu lẫn lộn. Soren Skou, người đứng đầu tập đoàn vận tải biển khổng lồ – Maersk, tuần này cho biết ông cho rằng sẽ có nhiều người trở lại làm việc tại các cảng, nhiều tàu đóng mới sẽ đi vào hoạt động và người tiêu dùng sẽ bắt đầu gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ. “Vào một thời điểm nào đó trong năm nay, chúng ta sẽ thấy tình hình bình thường hơn lúc này”, ông Skou dự đoán. Trong khi đó, giám đốc của công ty vận tải Đức Hapag Lloyd cho rằng tình trạng tắc nghẽn việc giao hàng và giá cước sẽ giảm trong quý II năm nay, song ẩn số ở lĩnh vực này là trên thực tế, đến bao giờ tình trạng tắc nghẽn mới hoàn toàn biến mất, và trong thời gian tới, thời gian giao hàng sẽ mất bao lâu? Công ty vận hành chuỗi cung ứng Sea-Intelligence cho biết tình trạng tắc nghẽn hiện tại chưa từng có trong tiền lệ, nhưng kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy sẽ mất khoảng 8-9 tháng để các mạng lưới cảng và logistics nội địa phục hồi. Giám đốc điều hành của Sea-Intelligence, Alan Murphy, đã phân tích về xu hướng hiện tại so với những dữ liệu của quá khứ về sự chậm trễ trung bình của hệ thống vận tải thủy do sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra.
Chuỗi cung ứng sẽ không bao giờ trở về hoàn toàn như trước Covid-19. Mọi câu chuyện đang bàn đều chưa đề cập đến khả năng có thể xảy ra những tác động khác lên chuỗi cung ứng vốn đang rất căng thẳng. Trong khi đó, các công ty Toyota, General Motors, Ford và công ty mẹ Stellantis của Chrysler hôm 10/2 cho biết hoạt động sản xuất của họ tại các nhà máy ở Bắc Mỹ đã bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu phụ tùng bắt nguồn từ các cuộc biểu tình phản đối đại dịch của những người lái xe tải Canada. Trong khi đó, các lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhật Bản và Đức đều cho biết họ rất lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chính sách zero-COVID của Trung Quốc – bao gồm cả việc phong tỏa toàn bộ các thành phố – được triển khai toàn diện nhằm chống lại sự bùng phát của Omicron tại các địa phương. Đối với người tiêu dùng, sẽ phải mất một thời gian trước khi họ có thể cảm nhận được những áp lực hữu hình từ chuỗi cung ứng, nhưng mỗi người tiêu dùng hãy đừng kỳ vọng rằng giá cả hoặc nguồn cung mọi thứ sẽ quay trở lại như trước khi xảy ra đại dịch. Các giám đốc điều hành của các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất hàng hóa khác đều dự đoán giá hàng loạt các nguyên liệu thô sẽ tăng trong năm nay, do đó họ đang lên kế hoạch tăng giá sản phẩm để bù đắp một phần chi phí tăng. Nhà sản xuất mô tô Harley-Davidson của Mỹ cho biết họ đang giải quyết tình trạng lượng xe dự trữ hạn chế bằng cách đưa ra hệ thống cho khách hàng mua xe đặt trước. Jens Bjorn Andersen, giám đốc điều hành của tập đoàn vận tải và hậu cần DSV, cho biết mọi thứ đã thay đổi đến mức bất cứ điều gì xảy ra thì thứ đó cũng sẽ đều không giống như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. “Tôi không bao giờ dùng từ bình thường hóa”, ông Andersen nói. (Tham khảo: Reuters)
Tác giả bài viết: Vũ Ngọc Diệp
Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế