Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, giá thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ổn định nhờ giá nguyên liệu trong nước được duy trì.
Chủ động nguồn cung…
Đánh giá về tình hình nguồn cung thịt lợn trong thời gian qua, phát biểu tại hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước đây chăn nuôi lợn ở nước ta chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, nhưng những năm gần đây, Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt (dẫn đầu là Trung Quốc 48%, các vị trí kế tiếp lần lượt là EU 20%, Mỹ 11%, Brazil 4%, Nga 4%, Việt Nam 3%).
Chăn nuôi lợn thời gian qua tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so cùng thời điểm năm 2023. Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây là: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai…
Tại Việt Nam, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, chăn nuôi của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Trong thời gian qua, nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt là trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhập khẩu trái phép thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thịt lợn hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong “rổ thực phẩm” của người tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng tổng đàn lợn được duy trì. Sản lượng thịt lợn cũng ngày một tăng, đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá thịt lợn từ cuối năm 2023 đến nay cũng khá tốt, bảo đảm có lợi cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.
“Dịp cuối năm, cận tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu; giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
… không lo tăng giá
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết thêm, tuy nguồn cung hiện nay đang có xu hướng sụt giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, giá thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ổn định nhờ giá nguyên liệu trong nước được duy trì.
“Để bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, một mặt cần kiểm soát thị trường tốt, chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả; mặt khác, cơ quan quản lý cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu, bảo quản và nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu; tăng cường kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; áp dụng các phần mềm để bảo đảm cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước”, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiến nghị.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, người chăn nuôi cần chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, nâng cao kiến thức và kỹ năng chăn nuôi. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh từ đầu vào sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ đàn lợn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường thịt lợn. Sự ủng hộ và tin tưởng vào các sản phẩm thịt lợn trong nước không chỉ giúp kích cầu mà còn tạo động lực cho người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm.
Xuân Thảo (Báo Hải quan)