Theo CoBank, ngân hàng cấp vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và tại khu vực nông thôn, lãi suất cao và đồng USD mạnh đang có những tác động đến hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Đồng USD lên giá ảnh hưởng đến các lĩnh vực như nông nghiệp, sản phẩm từ rừng, khai khoáng và chế tạo, khi khiến hàng xuất khẩu của Mỹ giảm sức cạnh tranh.
Chỉ số USD giao ngay của Bloomberg, đo lường giá trị của đồng bạc xanh so với 10 đồng tiền trên thế giới, trong tháng này tăng lên mức cao kỷ lục trong gần một năm.
Đồng tiền mạnh cùng với sự cạnh tranh xuất khẩu từ các đối thủ trên toàn cầu khiến ngũ cốc của Mỹ giảm sức hấp dẫn. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ngô, đậu tương và lúa mỳ kể từ đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu của Trung Quốc đối ngô của Mỹ bị hạn chế đáng kể do đồng USD tăng giá, phí vận chuyển cao và sự cạnh tranh với ngô của các nước Nam Mỹ.
Xuất khẩu đậu tương cũng yếu do nhu cầu của Trung Quốc thấp, trong khi lúa mỳ vụ Đông đối mặt với những khó khăn do xuất khẩu của Nga đạt mức kỷ lục và nguồn cung ngô dồi dào.
Tuy nhiên, đồng peso của Mexico mạnh đang mang lại lợi thế cho một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.
Xuất khẩu thịt của Mỹ sang Mexico tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu phô mai tăng 13%.
Trong khi đó, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, trong khi đối mặt với sự cạnh tranh từ châu Âu và New Zealand.
Sản lượng bông của Mỹ giảm, nhưng lãi suất tăng và lạm phát cũng làm giảm nhu cầu và mối quan tâm của người tiêu dùng.
Xuất khẩu gạo của Mỹ có thể tăng, khi CoBank nhận định lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ được kéo dài đến khi diễn ra các cuộc bầu cử vào tháng 5/2024.
Nhu cầu với đường ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi triển vọng nguồn cung không khả quan do hạn hán tại Louisiana và Texas.
Lê Minh (TTXVN)