Dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2022/23 sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, dẫn đến dự trữ ngũ cốc toàn cầu giảm 0,4% so với đầu vụ, xuống còn 847 triệu tấn.
Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng ngũ cốc toàn cầu vụ 2021/22 tăng 0,9% so với năm trước, chủ yếu là do sản lượng ngô tăng. Tiêu thụ ngũ cốc vụ 2021/22 ước tính sẽ tăng 1,1%, trong đó chủ yếu là tiêu thụ lương thực (đặc biệt là lúa mì và gạo) và tiêu thụ ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi (chủ yếu là ngô). Dựa trên ước tính về sản lượng và tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới, dự trữ ngũ cốc vào cuối vụ 2022 dự báo tăng hơn mức đầu vụ, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục đạt được trong năm 2018/19. Xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu năm 2021/22 ước tính đạt dưới mức kỷ lục năm 2020/21, chủ yếu do xuất khẩu ngô toàn cầu dự kiến giảm và ánh hưởng của sự gián đoạn do chiến tranh ở Ukraine.
Dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2022 có khả năng giảm, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 4 năm, giảm xuống còn 784 triệu tấn (bao gồm cả gạo xay xát), giảm 16 triệu tấn so với mức kỷ lục năm 2021. Trong đó, dự đoán sản lượng ngô giảm mạnh nhất, tiếp theo là lúa mì và gạo. Ngược lại, sản lượng lúa mạch và bo bo toàn cầu có thể tăng.
Tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới năm 2022/23 dự báo sẽ giảm 0,1% so với năm 2021/22, xuống còn 788 triệu tấn. Dự đoán đây là lần giảm đầu tiên trong vòng 20 năm, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm tiêu thụ lúa mì, ngũ cốc thô và gạo.
Dựa trên những dự báo ban đầu của FAO về sản lượng và tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu năm 2022/23, dự báo sản lượng ngũ cốc sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, dẫn đến dự trữ ngũ cốc toàn cầu giảm 0,4% so với đầu vụ, xuống còn 847 triệu tấn. Với mức tiêu thụ và dự báo tồn kho hiện tại, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên thế giới sẽ giảm từ 30,5% trong năm 2021/22 xuống 29,6% vào năm 2022/23, mức thấp nhất kể từ 2013/14 nhưng vẫn cao hơn mức thấp kỷ lục 21,4% trong năm 2007/08. Trong đó, dự báo dự trữ ngô giảm nhiều nhất, lúa mạch và gạo cũng sẽ giảm trong khi lúa mì và bo bo có thể sẽ tăng.
Thương mại ngũ cốc trên thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, ước tính đạt 463 triệu tấn, giảm 2,6% so với năm 2021/22, trong đó ngũ cốc thô và lúa mì giảm, nhưng gạo vẫn khả quan. Chỉ số giá ngũ cốc thế giới trong tháng 5/2022 đạt trung bình 173,4 điểm, cao nhất từ trước đến nay và tăng 39,7 điểm (29,7%) so với tháng 5/2021. Nguồn cung thắt chặt và thị trường không chắc chắn, đặc biệt là đối với lúa mì, ngô và lúa mạch, cũng như giá năng lượng và giá đầu vào tăng, có thể sẽ khiến giá ngũ cốc tăng cao, ít nhất là trong nửa đầu niên vụ 2022/23.
Theo VITIC/fao.org
Thuỷ Chung (Trung tâm TTCN&TM)