Tổng Cục Thống kê cho biết tổng đàn heo trong nửa đầu năm tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng con số đàn heo thực tế thấp hơn rất nhiều so với số liệu của Tổng Cục Thống kê bởi thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ bỏ chuồng vì giá heo hơi quá thấp khiến họ chịu cảnh thua lỗ kéo dài.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tình hình chăn nuôi heo và gia cầm phát triển tốt nhờ dịch bệnh được kiểm soát trong nửa đầu năm 2023. Tổng đàn heo của cả nước thời điểm cuối tháng 6 ước khoảng 26 triệu con, tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng con số đàn heo thực tế thấp hơn rất nhiều so với số liệu của Tổng Cục Thống kê bởi thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ bỏ chuồng vì giá heo hơi quá thấp khiến họ chịu cảnh thua lỗ kéo dài. Đồng thời dịch tả heo Châu Phi khiến đàn heo của các hộ dân và doanh nghiệp thiệt hại nhiều, ảnh hưởng đến tổng đàn.
Theo ông Nguyễn Như So Chủ tịch CTCP Tập đoàn Dabaco, tổng đàn heo hơi thời gian qua đã giảm nhiều do dịch bệnh kèm với giá heo hơi thấp khiến nhiều người bỏ chuồng. Trước đây, tổng đàn heo cả nước khoảng 28 – 29 triệu là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm.
Dịch tả heo Châu Phi là một thách thức cho các công ty chăn nuôi, đặc biệt, với chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC Research) cho biết theo thống kê, 4 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 104 ổ dịch tả heo châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố được báo cáo với quy mô trên 4.073 con heo mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy.
Quy mô dịch bệnh 4 tháng đầu năm nay tương đương 20,4% số ổ dịch tả heo được phát hiện và bằng 18,9% số heo bệnh và tiêu hủy của cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực dịch bùng phát sớm và mạnh nhất Châu Á.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) cho rằng tổng đàn của Việt Nam bị mất khoảng 20-25% so với bình thường dựa trên số liệu doanh số bán thức ăn chăn nuôi, heo giống của các doanh nghiệp, thú y, khảo sát đàn heo của dân và các công ty đối thủ.
Ông lý giải với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, áp dụng quy trình nuôi khép kín đồng thời có tiềm lực về tài chính có thể duy trì đàn heo của mình ngay cả khi có dịch hoặc giá thấp. Trong khi các hộ dân nhỏ lẻ thì lại không thể giữ đàn vì không đảm bảo được an toàn dịch bệnh và cũng không có vốn khi giá heo hơi xuống dưới giá thành sản xuất.
“Khi giá thấp hay giá cao, các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tái đàn. Quan trọng là giá bán trung bình cao hơn giá thành sản xuất. Còn với hộ dân nhỏ lẻ, thường khi dịch bệnh xảy ra, đàn heo rất dễ nhiễm và tỷ lệ chết cao. Ngoài ra, khi giá thấp họ phải bán cắt lỗ và không có vốn để tiếp tục tái đàn”, ông Bá nói.
Ông nói thêm đây cũng chính là lý do khiến nguồn cung thiếu hụt và giá heo hơi tăng lên. Tuy nhiên, khi giá tăng người dân nhỏ lẻ lại không có heo để bán hoặc những hộ còn heo thì cũng không có giá trung bình tốt. Đây cũng là lý do tại sao người dân luôn bán heo ở giá đáy, khoảng 49.000 – 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, đồng thời là Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: “Cần đặt câu hỏi cơ quan chức năng nói đàn tăng nhưng vì sao doanh nghiệp trực tiếp chăn nuôi lại nói là giảm? Nếu tổng đàn thực sự tăng thì vì sao giá heo hơi thời gian qua liên tục tăng mạnh?”
Bình luận về sự chênh lệch này, chia sẻ với chúng tôi một lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết số liệu của Tổng Cục Thống kê chưa sát với thực tế và có độ trễ nhất định. Các báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông cũng lấy theo số liệu này.
Vị này cũng thừa nhận rằng thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải treo chuồng vì không thể cầm cự khi giá heo giảm xuống mức thấp trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.
“Trước đó, Cục Chăn nuôi nhiều lần kiến nghị với Tổng Cục Thống kê cần có số liệu điều tra sát với tình hình thực tiễn. Hiện nay, số liệu của Tổng Cục Thống kê vẫn còn độ trễ, mang tính pháp lý và không thể nào thực tế. Ví dụ thời gian nuôi gà công nghiệp chỉ mất 39 ngày là xuất chuồng trong khi thống kê theo mẫu, thời gian định kỳ nhất định nên không thể sát với thực tế”, vị này cho biết.
Giá heo hơi cuối năm sẽ ổn định vì nguồn cung tăng trở lại
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết hiện giá heo hơi đang trong đà tăng, các trang trại chăn nuôi đang vào đàn để phục vụ dịp Tết, thời gian nuôi sẽ mất khoảng 5 -6 tháng. Thời điểm cuối năm số lượng đàn heo sẽ tăng lên nhằm phục vụ cho thời gian cao điểm. Khi đó, giá heo hơi sẽ ổn định hơn. Hiện nay đang là giai đoạn giao thời nên giá heo hơi biến động mạnh.
Giá heo hơi tăng mạnh từ mốc thấp nhất trong vòng hơn 1 năm hồi tháng 3 là 50.000 đồng lên 65.000 đồng/kg hồi giữa tháng 7.
Bên cạnh nguồn cung giảm, nhu cầu cũng tăng lên nhờ lượng khách du lịch tăng lên. Hai yếu tố này cộng gộp giúp hỗ trợ giá heo.
Hiện tại giá thành heo của các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín là khoảng 54.000 – 55.000 đồng/kg còn hộ nhỏ lẻ khoảng 60.000 đồng/kg. Như vậy với mức giá trên, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đều đã có lãi.
Ông Dương cho rằng để duy trì mức giá tốt cho người chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hoạt động nhập lậu heo từ biên giới.
“Cần kiểm soát việc nhập lậu heo, nhất là từ khu vực biên giới với Trung Quốc, nếu không, giá heo hơi trong nước sẽ đi xuống và người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ và điệp khúc bỏ chuồng tiếp diễn”, ông Dương nói.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)