Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thành bán ra chưa tương xứng khiến người nuôi gia cầm e ngại tái đàn heo, gà. Đó là thực trạng đang diễn ra tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của miền Đông Nam bộ
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – thú y Đồng Nai cho biết, đến nay đàn heo trong tỉnh đã đạt khoảng 3 triệu con, tương đương với số lượng của những năm trước, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ hàng ngày và chế biến cho khu vực TPHCM và các tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ đàn heo đang tăng mạnh trong hệ thống chăn nuôi trang trại của các DN và công ty nước ngoài; trong khi đó, tỷ lệ đàn heo có xu hướng giảm dần trong các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.
Lý giải về điều này, ông Giang cho rằng, qua các đợt dịch, các DN chăn nuôi chủ động được nguồn con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và điều kiện cơ sở chăn nuôi đảm bảo phòng dịch nên duy trì, phát triển tỷ lệ đàn rất tốt; còn cơ sở chăn nuôi hầu như không đáp ứng được các điều kiện trên nên giảm đàn.
Ông Mai Văn Rem, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, để đầu tư một trại lạnh nuôi quy mô khoảng 500 con heo thịt như ông đang làm, chỉ tính riêng chi phí đầu tư đã khoảng 1,5 tỷ đồng, chưa kể các loại chi phí xây dựng tăng hơn rất nhiều so với vài năm trước. “Một khó khăn nữa là giá đất nông nghiệp hiện nay đã đội lên rất nhiều lần so với mấy năm trước” – ông Rem nói.
DN chăn nuôi, kinh doanh gia cầm cũng chật vật giữa “bão giá” thực ăn chăn nuôi (TACN). Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) cho rằng, nguồn cung trứng đang thiếu so với nhu cầu. “Việc TACN tăng cao thời gian qua bắt nguồn từ ảnh hưởng cuộc chiến Nga – Ukraina, hiện mức tăng đã lên tới 20-30%. Giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá trứng bán ra tăng chưa tương xứng nên người nuôi gặp khó. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn vì lo lỗ; thậm chí nhiều trang trại chỉ tái đàn với quy mô thu hẹp, dẫn đến nguy cơ thiếu trứng do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu” – ông Thiện nói.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chậm hơn nhiều so với mọi năm nên giá bán ra thường ở mức thấp. Suốt nhiều tháng nay, người chăn nuôi đang “gồng mình” gánh lỗ, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề. Với dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí khác chưa dừng leo thang trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều trại “treo chuồng” vì càng nuôi càng lỗ.
Mạnh Thắng – Uyên Phương (Báo Tiền Phong)