Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, Việt Nam và Mỹ đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại quan trọng ngay trước thời hạn mà nếu bỏ lỡ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn.
Theo thông tin từ phía Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 20%. Đối với những mặt hàng bị xác định là trung chuyển qua Việt Nam, mức thuế sẽ tăng lên 40%. Đáng chú ý, Việt Nam đã đồng ý xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đến từ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng, với thỏa thuận này, thị trường Việt Nam sẽ “mở cửa cho hàng hóa Mỹ”, tạo điều kiện để sản phẩm Mỹ vào Việt Nam với thuế suất bằng 0. Thỏa thuận được đạt được sau các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương. Việt Nam cũng đề xuất Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ cao.
Hiện tại, Nhà Trắng vẫn chưa công bố văn bản chính thức về thỏa thuận này, và một số chi tiết cụ thể vẫn đang được hai bên tiếp tục hoàn thiện. Trước đó, Mỹ và Anh cũng từng công bố thỏa thuận thương mại vào đầu tháng 5, nhưng đến giữa tháng 6 mới có sắc lệnh thực thi và nhiều nội dung quan trọng vẫn để lại giải quyết sau.
Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thương mại thứ 3 mà Mỹ công bố, sau các thỏa thuận với Anh và Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều đối tác trên thế giới đang gấp rút đàm phán với Washington trước thời hạn ngày 09/07. Đáng lưu ý, từ đầu tháng 4, Mỹ từng áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam trong đợt triển khai đầu tiên của chính sách thuế đối ứng, áp dụng cho hàng chục quốc gia, nhưng sau đó đã giảm còn 10% để tạo điều kiện thương lượng.
Việt Nam hiện thuộc top 10 nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ năm 2025.

Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là đối tác chiến lược trong khu vực, đồng thời hàng xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu với người tiêu dùng Mỹ.
Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, một phần nhờ các nhà sản xuất quốc tế chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam hiện là nguồn cung lớn các mặt hàng dệt may, đồ thể thao cho thị trường Mỹ, với sự góp mặt của các thương hiệu lớn như Nike, Gap và Lululemon.
Năm ngoái, Việt Nam là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ với kim ngạch gần 137 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Riêng trong tháng 5, lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng tới 35% khi các doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng trước thời hạn áp dụng thuế mới.
Thông tin về thỏa thuận thương mại đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Mỹ, với chỉ số S&P 500 tăng và các cổ phiếu ngành nội thất, may mặc đồng loạt tăng giá. ON Holding, Nike và Lululemon đều ghi nhận mức tăng cao nhất trong phiên giao dịch.
Một số quan chức Mỹ cho rằng cần điều chỉnh mức thuế áp dụng với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sao cho thấp hơn đáng kể so với mức thuế dành cho Trung Quốc, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc.
Mức thuế 40% vừa được công bố sẽ áp dụng đối với các mặt hàng bị xác định là “trung chuyển”, tức là những linh kiện có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác, được đưa qua Việt Nam hoặc chỉ trải qua khâu lắp ráp cuối cùng tối thiểu trước khi xuất khẩu sang Mỹ.
Nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng vọt giữa căng thẳng thương mại với Trung Quốc

Đây là vấn đề đặc biệt được các cố vấn thương mại hàng đầu của Mỹ quan tâm, trong đó có Peter Navarro. Hiện tại, danh mục cụ thể các mặt hàng sẽ bị áp thuế cao hơn vẫn chưa được công bố.
Năm ngoái, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ đạt 15 tỷ USD. Phía Mỹ kỳ vọng thỏa thuận mới sẽ tạo cú hích cho doanh số ô tô Mỹ tại thị trường Việt Nam. Tổng thống Trump từng phát biểu rằng dòng xe SUV, hay còn gọi là xe động cơ lớn vốn rất được ưa chuộng tại Mỹ, sẽ là bổ sung tuyệt vời cho các dòng sản phẩm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy xuất khẩu ô tô Mỹ sang Việt Nam sẽ là một mục tiêu đầy tham vọng, bởi ngay cả các mẫu SUV nhỏ gọn, giá rẻ sản xuất tại Mỹ cũng khó cạnh tranh về giá với các đối thủ đến từ quốc gia khác. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, chỉ khoảng 4,500 USD, bằng khoảng 1/20 so với Mỹ theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khiến thị trường ô tô trong nước còn khá hạn chế, trong khi xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo.
Top 10 nguồn nhập khẩu của Mỹ năm 2025, tỷ trọng trên tổng nhập khẩu

Ban đầu, Mỹ dự định tiến hành đàm phán song song với hàng chục đối tác thương mại. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, phía Mỹ cho biết sẽ chỉ tập trung vào các nền kinh tế lớn, đồng thời đơn phương áp thuế lên các quốc gia nhỏ hơn hoặc những nước không đạt được thỏa thuận.
Thỏa thuận với Việt Nam được đạt được sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, trong đó phía Mỹ liên tục gây sức ép buộc Việt Nam phải mạnh tay hơn với các hành vi gian lận thương mại, siết chặt kiểm soát hàng hóa trung chuyển từ Trung Quốc và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan.
Phía Việt Nam đã chủ động đề xuất xóa bỏ toàn bộ thuế quan và nhiều lần cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Các quan chức cấp cao của Việt Nam đã sang Mỹ vận động và ký kết nhiều hợp đồng, trong đó có 3 tỷ USD hàng nông sản. Bộ trưởng thương mại Việt Nam cũng tích cực kêu gọi lãnh đạo các tập đoàn lớn như Nike, Gap ủng hộ tiến trình đàm phán.
Theo Bloomberg
Quốc An (Vietstock)