Cục Xuất nhập khẩu cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh với 2.390 tấn, tương đương 1,2 triệu USD, tăng tới 1.285% về lượng và tăng 947% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng khá nhỏ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 192.910 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tương đương hơn 80 triệu USD, tăng 2% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng 4/2023, nhưng so với tháng 5/2022 lại giảm 26% về lượng và giảm 29,5% về giá trị. Đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,36 triệu tấn, tương đương 528,5 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan…
Theo đó, xuất khẩu sang Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh với 2.390 tấn, tương đương 1,2 triệu USD, tăng tới 1.285% về lượng và tăng 947% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Malaysia đạt 6.365 tấn, tương đương 3,1 triệu USD, tăng 135% về lượng và tăng 129% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Dù có mức tăng trưởng ấn tượng, hai thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn. Xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của ngành sắn lại ghi nhận sụt giảm cả về lượng và giá trị.
Theo đó, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,2 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tương đương 468 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu hơn 3 triệu tấn sắn lát (HS 071420), tương đương 842 triệu USD, tăng 6% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó,
Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia là 4 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Song, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan và Việt Nam tăng, trong khi giảm từ Lào.
Đối với sản phẩm tinh bột sắn, Trung Quốc nhập khẩu 1,2 triệu tấn (HS 11081400) trong 4 tháng đầu năm, tương đương 559 triệu USD, giảm 28% về lượng và giảm 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 624.670 tấn, tương đương 303,5 triệu USD, giảm 34% về lượng và giảm 40% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 51,95% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 56,46% của 4 tháng đầu năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 434.250 tấn, tương đương 194 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 36,11%, thấp hơn so với mức 36,15% của 4 tháng đầu năm 2022.
Qua số liệu cho thấy Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Campuchia, trong khi tăng nhập khẩu từ Lào.
Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)