Thị trường kỳ vọng Báo cáo tồn trữ Quý 3 của Bộ NN Mỹ sẽ cho thấy tồn trữ cuối kỳ bắp lớn hơn và đậu nành thấp hơn. Tuy nhiên, con số được công bố gây bất ngờ khi tồn trữ bắp nhỏ hơn và tồn trữ đậu nành lớn hơn dự kiến. Điều này khiến giá bắp tăng cao hơn 1,25%, trong khi giá đậu nành giảm hơn 3%. Giá lúa mì cũng có nhiều biến động, với hầu hết các hợp đồng kỳ hạn đều đạt mức tăng dao động trong khoảng 1,75% đến 2,75%.
Giá đậu nành kỳ hạn tháng 11 chốt phiên giao dịch ngày 30/9 giảm 46,0 cent, ở mức 1.364,75 cent/bushel, giảm 61,0 cent so với mức cao nhất và tăng 1,50 cent so với mức thấp nhất. Giá đậu nành kỳ hạn tháng 01/2023 chốt phiên giảm 45,0 cent, ở mức 1.375,50 cent/bushel, tăng 1,25 cent so với mức thấp nhất và giảm 59,50 cent so với mức cao nhất.
Giá khô dầu đậu nành kỳ hạn tháng 10 chốt phiên giảm 5,90 usd, ở mức 403,20 usd/short tấn, giảm 11,80 usd so mức cao nhất và tăng 1,10 usd so với mức thấp nhất.
Giá dầu đậu nành kỳ hạn tháng 10 chốt phiên giảm 2,13 cent, ở mức 65,35 cent/pound, giảm 2,15 cent so với mức cao nhất và tăng 0,29 cent so với mức thấp nhất.
Tồn trữ đậu nành vụ cũ tính đến ngày 01/9 đạt tổng cộng 7,46 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và vượt quá các ước tính thương mại. Tồn trữ tại trang trại đạt tổng cộng 1,71 triệu tấn, giảm 8% so với năm trước. Tồn trữ ngoài trang trại ở mức 5,75 triệu tấn, tăng 12% so với năm trước. Mức sử dụng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2022 đạt tổng cộng 19 triệu tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước đó.
Dựa trên phân tích tồn trữ cuối năm tiếp thị, số liệu sử dụng cho xuất khẩu, ép dầu và các chương trình nông nghiệp, sản lượng đậu nành năm 2021 được điều chỉnh tăng 0,82 triệu tấn so với ước tính trước đó. Diện tích gieo trồng không thay đổi là 35,29 triệu héc-ta, nhưng diện tích thu hoạch được điều chỉnh thành 34,93 triệu héc-ta. Năng suất năm 2021, ở mức 3,48 tấn/ha, tăng nhẹ so với ước tính trước đó.
Bắp
Tồn trữ bắp vụ cũ tính đến ngày 01/9 đạt tổng cộng 35,05 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn các ước tính trước báo cáo. Trong đó, 12,96 triệu tấn được lưu trữ tại các trang trại, tăng 29% so với năm trước và tồn trữ ngoài trang trại ở mức 22,09 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước. Mức sử dụng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2022 là 75,44 triệu tấn, cao hơn mức 73,15 triệu tấn cùng kỳ năm trước.
Dựa trên phân tích tồn trữ cuối năm tiếp thị, số liệu sử dụng cho xuất khẩu và các chương trình nông nghiệp, sản lượng bắp năm 2021 được điều chỉnh giảm 1,05 triệu tấn so với ước tính trước đó.
Lúa mì
Giá lúa mì tăng khá mạnh sau khi Bộ NN Mỹ giảm ước tính sản lượng năm 2022, và khi Nga sáp nhập các vùng chiếm đóng của Ukraine và gây ra tình trạng bất ổn hơn ở khu vực Biển Đen.
Tồn trữ tất cả các loại lúa mì tính đến ngày 01/9 đạt tổng cộng 48,45 triệu tấn, tăng gần 1% so với năm trước nhưng thấp hơn một chút so với ước tính thương mại. Tồn trữ tại trang trại ước tính đạt 16,08 triệu tấn, tăng 41% so với năm trước và tồn trữ ngoài trang trại ở mức 32,37 triệu tấn, giảm 13% so với năm trước. Mức sử dụng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2022 là 14,78 triệu tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng tất cả các loại lúa mì đạt 44,91 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 1% so với năm 2021. Trong khi diện tích gieo trồng giảm, ước tính năng suất tăng lên mức 3,13 tấn/ha.
Sản lượng lúa mì vụ Đông là 29,94 triệu tấn, giảm 14% so với năm ngoái; lúa mì vụ Xuân là 13,12 triệu tấn, tăng 46%; và sản lượng lúa mì cứng là 1,74 triệu tấn, tăng 70% so với năm ngoái. Sản lượng lúa mì đỏ cứng vụ Đông ở mức 14,49 triệu tấn, trong khi lúa mì đỏ mềm là 9,16 triệu tấn.
www.qdfeed.com