“Với giá lợn hơi như hiện nay thì người chăn nuôi không có lãi. Do vậy, chúng ta cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ. Nếu xuất khẩu được thì tốt quá” – ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định khi trao đổi với PV Dân Việt.
Mở cửa xuất khẩu thịt lợn được thì quá tốt, giá lợn hơi sẽ tăng lên
Ngày 20/10/2022, báo chí có phản ánh thông tin về việc “Mở cửa xuất khẩu lợn tiểu ngạch để cứu giá”, trong bối cảnh giá lợn hơi những ngày gần đây rớt xuống còn 50.000 đồng/kg.
Một số ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để có thể xuất bán lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt heo.
Phó Thủ tướng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung báo chí phản ánh. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Việc lo đảm bảo sản lượng thịt cho tiêu dùng dịp cuối năm và dịp Tết là hợp lí, nhưng rõ ràng giá lợn hơi hiện nay đang thấp hơn rất nhiều so với giá thành, trong khi giá thức ăn chăn nuôi rất cao. Với giá lợn hơi như hiện nay người chăn nuôi không có lãi. Do vậy, chúng ta cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, nhằm nâng giá lên, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định.
“Nếu xuất khẩu thịt lợn được thì tốt quá, thậm chí đó là giải pháp hiệu quả nhất về lâu dài cho ngành chăn nuôi” – ông Dương nói.
Về dự báo thị trường thịt lợn cuối năm, ông Dương nhận định giá lợn hơi sẽ không có biến động lớn. Căn cứ vào 2 lí do, một là chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu bò trong nước đang khôi phục và phát triển tốt. Hai là sản lượng thịt heo và các loại thực phẩm nhập khẩu khác đang có xu hướng tăng nhanh.
“Trong khi nguồn cung trong nước đang dư thừa thì đó cũng là bất cập. Cụ thể, thời gian gần đây nhập khẩu thịt trâu bò đông lạnh, thịt heo đông lạnh, thịt gia cầm các loại đều tăng, làm ảnh hưởng tới giá cả thị trường thực phẩm trong nước”.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý 3/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Dương nhấn mạnh thêm: “Vấn đề không phải chỉ là đảm bảo đủ lương thực thực phẩm cho tiêu dùng dịp Tết, mà còn là đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi. Nếu với giá lợn hơi như hiện nay, thì cả người chăn nuôi và doanh nghiệp đều không có lãi, nếu tình trạng này kéo dài mãi thì bà con không thể trụ nổi”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, giá thịt heo trong nước hiện nay đang có sự chênh lệch khá lớn so với các nước lân cận. Ví dụ, giá thịt heo tại Trung Quốc đang ở mức gần 90.000 đồng/kg, khiến nước này phải áp dụng biện pháp xả kho dự trữ thịt heo. Còn giá thịt heo ở Thái Lan cũng xấp xỉ 80.000 đồng/kg.
Do đó, ông Công cho rằng Nhà nước cần có chính sách điều hành linh hoạt, kể cả xem xét xuất sang Trung Quốc theo hình thức mậu biên, trao đổi hàng hóa qua biên giới.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đến tháng 10/2022, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn.
Trong tháng 10/2022, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục xu hướng giảm và dự kiến sẽ duy trì mức giảm trong ngắn hạn. Hiện giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 53.000-59.000 đồng/ kg, giảm 1.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi vẫn sẽ dao động quanh ngưỡng 50.000-65.000 đồng/kg.
Minh Huệ (Dân Việt)