I. BỐI CẢNH CHĂN NUÔI LỢN THẾ GIỚI NĂM 2023

Trong năm 2023, ngành chăn nuôi lợn thế giới gặp nhiều thách thức. Tốc độ giảm đàn lợn diễn ra ở nhiều quốc gia; giá thịt lợn từ đầu tháng 7/2023 đến nay liên tiếp giảm do nhu cầu nhập khẩu ở các nước châu Á chậm, trong khi nguồn cung ở một số nước xuất khẩu dồi dào. Theo ước tính của USDA, tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao; sản lượng thịt lợn toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022. Sản lượng thịt chủ yếu giảm mạnh ở châu Âu do áp lực pháp lý, môi trường và sự gián đoạn thương mại liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi, tiêu dùng yếu hơn và chi phí chăn nuôi tương đối cao. Tại Trung Quốc, nguồn cung lợn dồi dào, trong khi mức tiêu thụ thấp hơn năm trước, khiến giá lợn hơi giảm, thị trường thịt lợn chịu áp lực, … nên chăn nuôi lợn hầu như không có lợi nhuận trong năm 2023. Ước tính cơ cấu sản lượng thịt lợn của các nước trên thế giới năm 2023 nhưu sau: Trung Quốc (48%), EU (20%), Mỹ (11%), Brazil (4%), Nga (4%), Việt Nam (3%), sản lượng các nước khác chiếm 10% (Nguồn USDA).

II. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI LỢN CỦA VIỆT NAM NĂM 2023

Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,72%, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.

1. Tăng trưởng đàn lợn năm 2023

1.1. Về đầu con

Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiến tiến gia tăng. Vì vậy, thời điểm cuối năm 2023, tổng số lợn ước đạt 26,342 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 05 năm trở lại đây. Giai đoạn 2019 – 2023, tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,94%/năm.

1.2. Về sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng

– Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,866 triệu tấn tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng về sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giai đoạn 2019 – 2023 trung bình đạt 4,3%/năm.

– Trong cơ cấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng sản xuất trong nước thì tỷ trọng thịt lợn sản xuất trong nước chiếm 62,1% so với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi khác năm 2023.

Cơ cấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng sản xuất trong nước theo từng đối tượng vật nuôi năm 2023 (%).

So sánh với năm 2022, tỷ trọng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 0,5%, trong  khi thịt trâu, bò giảm 0,8%.

2. Giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm thịt lợn năm 2023

2.1. Giá vật tư đầu vào

a) Giá con giống

Từ 3 tháng đầu năm 2023, do tổng đàn sụt giảm và giá lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ từ tháng 4/2023 khoảng 01 – 02 nghìn đồng/kg nên giá lợn giống cũng tăng nhẹ khoảng 5- 6% lên mức 1,2-1,3 triệu đồng/con. Thời điểm giữa năm 2023, giá lợn giống trung bình dao động từ 1,25 triệu đến 1,6 triệu đồng/con tùy thuộc vào biểu cân và vùng miền.

Thời điểm tháng 12 năm 2023, giá lợn giống dao động từ 1,2 – 1,55 triệu đồng/con với lợn trong dân (biểu 6-7kg) và 1,45 -1,65 triệu đồng/kg với lợn công ty (biểu 6-7kg/con), tăng 100-400 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.

b) Giá thức ăn chăn nuôi

Giai đoạn 2019 – 2020, cơ cấu sản lượng TACN thay đổi theo hướng TACN cho lợn từ 49,7% (năm 2019) xuống còn 43,8% (năm 2020 và tăng dần TACN cho gia cầm. Đến giai đoạn 2021 – 2022, cơ cấu sản lượng TACN đã có sự thay đổi theo hướng tăng dần TACN cho lợn và giảm dần TACN cho gia cầm. Cụ thể, tỷ trọng TACN cho lợn năm 2021 chiếm 55,8%; năm 2022 chiếm 56,3%.

Sản lượng thức ăn công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022), trong đó thức ăn cho lợn ước đạt 11,15 triệu tấn (chiếm 55,7% tổng sản lượng TACN; giảm gần 3% so với năm 2022).

Giá nguyên liệu TACN trung bình cả năm 2023 ước tính giảm so với trung bình năm 2022, trong đó giá ngô giảm mạnh nhất 12,5%. Tuy nhiên, so với thời điểm năm 2020 (trước tác động của đại dịch Covid), hiện nay, giá nguyên liệu TACN đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn 32-46% tùy loại.

Giá TACN hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do giá TACN hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay (khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều).

2.2. Giá lợn hơi xuất chuồng

Năm 2023, giá lợn hơi khá đồng nhất so với năm 2022 về xu hướng biến động theo từng tháng kể từ tháng 3 và giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022 (ngoại trừ tháng 6/2023).

Tại thời điểm tuần đầu tháng 12 năm 2023, giá lợn hơi trung bình cả nước là 48 nghìn đồng/kg – là mức giá thấp nhất trong năm 2023. Mức giá này thấp hơn khoảng 13 nghìn đồng /kg so với thời điểm giá lợn cao nhất năm (tháng 7 năm 2023 với giá trung bình cả nước 61 nghìn đồng/kg, thậm chí tại một số tỉnh miền Bắc thời điểm đó giá cao nhất 68 nghìn đồng/kg). Mặc dù, sau đó giá lợn hơi đã tăng nhẹ 1-3 nghìn đồng/kg đưa giá lợn trung bình trong tháng 12 là 49 nghìn đồng/kg, thấp hơn 3 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ 2022.

Trong khi, giá thành sản xuất 01kg lợn hơi dao động từ 45-52 nghìn đồng /kg, với mức giá này, mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Đồ thị diễn biến theo tuần năm 2023 giá lợn thịt hơi xuất chuồng tại 3 miền.

Theo trang Genesus, tính tới ngày 6/12, Philippines vẫn là quốc gia có giá lợn hơi cao nhất thế giới, đạt hơn 76.400 đồng/kg. Trong khi đó, Trung Quốc trở lại vị trí thứ 2 với mức giá trung bình đạt gần 50.000 đồng/kg. Còn giá lợn của Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 3, đạt 48.600 đồng/kg. Mexico và Tây Ban Nha tiếp tục giữ vị trí thứ 4 và thứ 5.

Hiện nay, mức giá lợn thịt hơi của Việt Nam tương đương giá lợn hơi tại Thái Lan nhưng thấp hơn Trung Quốc từ 01-03 nghìn đồng/kg và cao hơn giá tại Campuchia khoảng 05-08 nghìn đồng/kg; đặc biệt cao hơn giá lợn hơi xuất chuồng tại một số nước xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vào thị trường Việt Nam (giá tại Mỹ trung bình 33-34 nghìn đồng/kg; tại Nga 36 nghìn đồng/kg, Braxin 34-35 nghìn đồng/kg… tại thời điểm tuần 3 tháng 12).

Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn của người sản xuất trong năm 2023 giảm 3,57% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn tháng 12 năm 2023 giảm 5,63% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,75% so với tháng trước.

Giá lợn thịt hơi xuất chuồng trung bình cả năm 2023 đạt 53,8 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi, thấp hơn 3,2 nghìn đồng so với trung bình năm 2022.

Biểu đồ so sánh giá lợn thịt hơi xuất chuồng theo tháng năm 2022 và 2023.

Hiện tượng giá lợn hơi giảm ngang hoặc dưới giá thành sản xuất trong thời gian gần đây là do: (1) Sức mua thực phẩm của người dân nhìn chung giảm nhẹ so với trước đây; (2) Nguồn cung lợn thịt trong nước tăng vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 do tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao; (3) Tâm lý của người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu phi; (4) Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023; (5) Chưa có cơ chế đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn, mặc dù giá lợn hơi tại cổng trại giảm nhưng giá thịt tại các siêu thị, các cơ sở/điểm bán lẻ gần như không giảm.

Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của thị trường từ nay đến Tết nguyên đán Giáp Thìn.

2.3. Tình hình xuất – nhập khẩu

Năm 2023, Việt Nam ước nhập khoảng 116 nghìn tấn thịt lợn, chiếm 3% tổng tiêu thụ thịt lợn trong nước và tăng khoảng 1,8% so với năm 2022. Ngoài ra, năm 2023, Việt Nam nhập khoảng 122,45 nghìn tấn phụ phẩm ăn được từ lợn, tăng 76,7% so với năm 2022.

Lượng lợn giống nhập khẩu về Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 là 5.357 con, trong đó chúng ta nhập 3.746 con lợn cái giống và 1.611 con lợn đực giống.

Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Trong đó, trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 999 lợn cái giống, 68 lợn đực giống, 5.700 lợn con và 700 con lợn thịt.

III. DỰ ĐOÁN THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI LỢN NĂM 2024

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2024, sản lượng thịt lợn thế giới được dự báo sẽ đạt 115,5 triệu tấn, gần bằng sản lượng dự kiến vào năm 2023.  Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu được dự báo đạt 10,4 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023. Sản lượng thịt lợn của EU được dự báo đạt khoảng 21,2 triệu tấn, giảm 1,6% so với năm 2023; trong khi xuất khẩu của khối này dự kiến sẽ duy trì ở mức 3,2 triệu tấn và nhập khẩu ước tính là 100.000 tấn. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc được dự báo giảm 1% trong năm 2024, trong khi khối lượng thịt lợn nhập khẩu ước tính tăng 1,1%, đạt 2,3 triệu tấn. Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 2,2% lên 12,7 triệu tấn và xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 2,8% lên 3,15 triệu tấn. Brazil dự kiến sẽ tăng khối lượng sản xuất thêm 4,9%, đạt 4,83 triệu tấn; xuất khẩu cũng được dự kiến là 1,53 triệu tấn, tăng 5,5%. Mexico dự kiến sẽ chứng kiến sản lượng tăng 1,3% với khoảng 1,6 triệu tấn; sẽ duy trì vị thế là nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới và đầu tiên ở Mỹ Latinh với 1,31 triệu tấn, một con số tương tự như những gì được mong đợi vào năm 2023. Canada sẽ giảm sản lượng 1,2% xuống còn 2,03 triệu tấn và xuất khẩu sẽ giảm 0,4%.

Mặt khác, USDA dự đoán đàn nái sẽ giảm tại một số nước sản xuất chính trên thế giới như Liên minh châu Âu, dự kiến sẽ giảm 1,6% với tổng đàn là 10,7 triệu nái. Tương tự đối với Hoa Kỳ (6,08 triệu nái) và Canada (1,23 triệu nái), mức giảm lần lượt là 0,7% và 0,8%. Nga, Hàn Quốc và Vương quốc Anh dự kiến sẽ có tổng đàn nái giảm lần lượt là 1,4%, 0,8% và 1,2%.

Đối với Việt Nam, theo ước tính của Cục Chăn nuôi, sản lượng thịt lợn hơi năm 2024 ước đạt 4,9 triệu tấn, tăng 4,0% so với năm 2023.

Nguyễn Trọng Tuyển – Cục Chăn nuôi
Nguồn: Cục Chăn nuôi