Bộ NN&PTNT dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý II đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng 25% so với quý I, tuy nhiên vẫn giảm 7% so với quý II/2022. Trong quý tới, xuất khẩu gỗ, thủy sản dự kiến phục hồi chậm; còn gạo, rau quả được coi là “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp.
Dự báo xuất khẩu nông lâm thủy sản quý II đạt 14 tỷ USD, tăng trưởng âm so với cùng kỳ
Kết thúc quý I/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành được gần 21% mục tiêu 54 tỷ USD của cả năm 2023.
Tại họp báo quý I/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý II đạt khoảng 14 tỷ USD. Con số này dự kiến tăng 25% so với quý I, tuy nhiên vẫn giảm 7% so với quý II/2022.
Bộ NN&PTNT xác định 2023 sẽ là năm còn nhiều khó khăn khi lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng thông qua hệ thống đại sứ, tham tán nông nghiệp…
Nhiều ngành hàng chủ lực có thể phục hồi chậm trong quý II
Trong quý I/2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ghi nhận giảm sâu như thủy sản, gỗ, cao su… và chưa có dấu hiệu phục hồi trong quý tới.
Theo đó, xuất khẩu gỗ trong quý I đạt gần 2,9 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tại thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.
“Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hoà vốn, và hy vọng đến quý III, IV thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.
Một số doanh nghiệp đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… nhằm bù đắp mức sụt giảm từ các thị trường chính như Mỹ, EU.
Nhận định về thị trường gỗ năm 2023, tại ĐHĐCĐ diễn ra cách đây ít ngày bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho rằng “vẫn chưa có nhiều tia sáng” bởi căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, lạm phát toàn cầu gia tăng.
Hiện, doanh nghiệp này đã có đơn hàng tới tháng 5 nhưng tình hình vẫn chưa lạc quan, khách hàng vẫn đang rất dè dặt, họ đặt với thời gian giao hàng rất xa. Doanh nghiệp này phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, chia sẻ với khách hàng để kích thích đặt hàng, với mục tiêu kiếm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, Chủ tịch gỗ Đức Thành cho rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ có điểm dừng và việc doanh nghiệp này cần làm là chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm thị trường khởi sắc trở lại.
“Sau khủng hoảng, các doanh nghiệp rất “khát” hàng hóa vì trong lúc khủng hoảng, họ không dám mua. Vậy khi khủng hoảng qua đi, ai sẵn sàng sẽ thắng lớn”, bà Liễu cho biết.
Tương tự như ngành gỗ, thủy sản cũng là một ngành được dự báo có đà phục hồi yếu trong quý II. Trao đổi với người viết, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết xuất khẩu thủy sản quý I đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong các mặt hàng thủy sản, tôm ghi nhận có mức giảm mạnh nhất với 39% do tồn kho của thị trường Mỹ ở mức cao, đồng thời tôm Việt phải cạnh tranh gay gắt với tôm của Ecuador, Ấn Độ, vốn có lợi thế về giá và logistics.
“Dự báo xuất khẩu thủy sản cuối quý II hoặc đầu quý III mới phục hồi, khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, tiêu thụ và những tác động của xung động Nga – Ukraine lắng xuống. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên chú ý vào thị trường có sức bật, cự ly gần như Trung Quốc, Nhật Bản”, ông Lê Bá Anh khuyến cáo.
Vẫn có ngành gạo, rau quả ‘tỏa sáng’
Trong bức tranh kém sắc quý I, mảng gạo, rau quả, hạt điều nổi lên như những “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 3, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, tương đương 480 triệu USD, tăng 70% về lượng và tăng 82% về giá trị so với tháng 3/2022.
Lũy kế quý I/2023, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang Indonesia ghi nhận tăng trưởng đột biến nhờ việc nước này dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ trong năm 2023. Theo đó, 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia 143.786 tấn gạo, tương đương 67 triệu USD, tăng mạnh 33.732% về lượng và tăng 30.355% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân giá gạo xuất khẩu sang Indonesia đạt 468 USD/tấn, giảm 10%.
Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Trung Quốc… xuất khẩu gạo quý tiếp theo và cả năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng tốt.
Cũng được xếp vào ngành hàng tỷ USD trong quý I, rau quả ghi nhận mức tăng trưởng 11% nhờ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế và nhiều loại trái cây giá trị cao như sầu riêng, chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 2023 được dự báo là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng.
“Nếu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì chắc chắn góp phần mang lại tổng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào khoảng 4 tỷ USD. Đây là những dự đoán tương đối có khả năng chúng ta sẽ đạt được”, ông Nguyên cho hay.
Phạm Mơ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)