Báo cáo Ước tính Cung cầu Nông nghiệp Thế giới tháng 9 khiến giá ngũ cốc tăng mạnh trở lại khi ước tính năng suất đậu nành thấp hơn dự kiến và khả năng sản lượng bắp vụ mới giảm đáng kể.
Giá đậu nành kỳ hạn tháng 11 chốt phiên giao dịch ngày 12/9 tăng 76,0 cent, ở mức 1.488,25 cent/bushel, giảm 2,0 cent so với mức cao nhất và tăng 86,0 cent so với mức thấp nhất. Giá đậu nành kỳ hạn tháng 01/2023 chốt phiên tăng 74,75 cent, ở mức 1.492,25 cent/bushel, tăng 85,0 cent so với mức thấp nhất và giảm 1,50 cent so với mức cao nhất.
Giá khô dầu đậu nành kỳ hạn tháng 10 chốt phiên tăng 25,0 usd, ở mức 439,80 usd/short tấn, giảm 5,0 usd so mức cao nhất và tăng 26,0 usd so với mức thấp nhất.
Giá dầu đậu nành kỳ hạn tháng 10 chốt phiên tăng 1,66 cent, ở mức 68,34 cent/pound, giảm 0,99 cent so với mức cao nhất và tăng 2,37 cent so với mức thấp nhất.
Bộ NN Mỹ ước tính sản lượng đậu nành đạt 119,20 triệu tấn, với năng suất trung bình toàn quốc là 3,40 tấn/ha, giảm 4,17 triệu tấn do năng suất giảm 0,1 tấn/ha và diện tích gieo trồng giảm 202.340 héc-ta. Con số này nằm ở mức thấp của kỳ vọng trước báo cáo.
Tồn trữ cuối kỳ 2022-2023 giảm xuống 5,45 triệu tấn, thấp hơn 1,23 triệu tấn so với tháng trước và là mức thấp nhất trong bảy năm. Nguyên nhân chính là do diện tích gieo trồng giảm xuống 35,41 triệu héc-ta và diện tích thu hoạch giảm xuống còn 35,05 triệu héc-ta. Bộ NN Mỹ tăng lượng tồn trữ đầu kỳ thêm 0,41 triệu tấn, lên mức 6,53 triệu tấn và đặt tổng nguồn cung ở mức 126,09 triệu tấn.
Về phía nhu cầu, Bộ NN Mỹ hạ dự báo ép dầu 0,55 triệu tấn, giảm lượng xuất khẩu 1,91 triệu tấn và giảm lượng sử dụng còn lại 0,08 triệu tấn. Tổng nhu cầu giảm xuống còn 120,65 triệu tấn, dẫn đến tồn trữ cuối kỳ ở mức 5,45 triệu tấn.
Tồn trữ vụ cũ 2021-2022 ở mức 6,53 triệu tấn, do dự báo xuất khẩu thấp hơn.
Trên toàn cầu, Bộ NN Mỹ ước tính tồn trữ cuối năm 2022-2023 ở mức 98,92 triệu tấn, thấp hơn kỳ vọng trước báo cáo và thấp hơn 2,49 triệu tấn so với tháng trước do nguồn cung thấp hơn ở Mỹ và Trung Quốc. Dự báo sản lượng của Brazil và Argentina cho vụ mùa sắp tới không thay đổi, lần lượt ở mức 149 triệu tấn và 51 triệu tấn. Bộ NN Mỹ hạ dự báo nhập khẩu của Trung Quốc thêm 1 triệu tấn, xuống còn 97 triệu tấn.
Bắp
Bộ NN Mỹ ước tính giảm diện tích trồng bắp niên vụ 2022-2023 xuống 0,94 triệu héc-ta, ở mức 35,86 triệu héc-ta và cắt giảm diện tích thu hoạch ước tính khoảng 0,41 triệu héc-ta, xuống còn 32,70 triệu héc-ta. Bộ NN Mỹ cũng giảm ước tính năng suất xuống còn 10,83 tấn/ha. Ước tính năng suất trung bình trước báo cáo là 10,82 tấn/ha. Điều này đưa sản lượng bắp ước tính còn 354,18 triệu tấn.
Về phía nhu cầu, Bộ NN Mỹ cắt giảm nhu cầu sử dụng cho thức ăn chăn nuôi năm 2022-2023 xuống 2,54 triệu tấn, ở mức 132,72 triệu tấn. Thức ăn chăn nuôi, hạt giống và sản xuất công nghiệp đạt 172,09 triệu tấn, giảm 1,27 triệu tấn. Sản xuất ethanol cũng bị cắt giảm 1,27 triệu tấn, xuống còn 135,26 triệu tấn.
Tổng lượng sử dụng trong nước đạt 304,8 triệu tấn, giảm 3,81 triệu tấn so với tháng 8. Xuất khẩu được ước tính ở mức 57,79 triệu tấn, giảm 2,54 triệu tấn so với tháng 8. Tồn trữ cuối vụ 2022-2023 ở mức 30,97 triệu tấn, giảm 4,30 triệu tấn so với tháng 8.
Trên toàn cầu, Bộ NN Mỹ ước tính tăng lượng tồn trữ đầu vụ 2022-2023 thêm 3 triệu tấn, lên 312,14 triệu tấn. Sản lượng toàn cầu giảm 7,03 triệu tấn, xuống 1.172,58 triệu tấn. Xuất khẩu toàn cầu giảm 2,04 triệu tấn. Điều đó khiến lượng tồn trữ cuối kỳ ở mức 304,53 triệu tấn, giảm 2,15 triệu tấn.
Sản lượng bắp của Brazil niên vụ 2021-2022 được ước tính ở mức 116 triệu tấn và của Argentina là 53 triệu tấn.
Lúa mì
Giá lúa mì ngược lại giảm nhẹ do bán kỹ thuật khi Bộ NN Mỹ không có thay đổi nào đối với triển vọng nguồn cung và nhu cầu lúa mì của Mỹ cho năm 2022/23.
Bộ NN Mỹ ước tính sản lượng lúa mì năm 2022-2023 ở mức 48,53 triệu tấn, không thay đổi so với tháng trước. Nhu cầu cũng được giữ không thay đổi khiến lượng tồn trữ cuối kỳ duy trì ở mức 16,60 triệu tấn.
Trên toàn cầu, tồn trữ cuối kỳ năm 2022-2023 tăng lên 268,57 triệu tấn, tăng 1,23 triệu tấn so với tháng trước. Bộ NN Mỹ ước tính nguồn cung, tiêu thụ và xuất khẩu cao hơn, với sự gia tăng sản lượng ở Ukraine và Nga bù đắp cho lượng tồn kho đầu kỳ đang thấp. Sản lượng của Ukraine tăng 1 triệu tấn, lên 20,5 triệu tấn, trong khi sản lượng của Nga tăng 3 triệu tấn, lên 91 triệu tấn.
Chi tiết báo cáo: tại đây
www.qdfeed.com