Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Hoa Kỳ kéo dài ba ngày, thị trường nông sản Mỹ ghi nhận những diễn biến trái chiều. Nhà đầu tư tranh thủ chốt lời, điều chỉnh vị thế kỹ thuật và đón nhận các dữ liệu xuất khẩu mới từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), qua đó tạo nên những biến động đáng chú ý ở các mặt hàng chủ lực như bắp, đậu nành, khô dầu đậu nành và lúa mì.

🌽 BẮP 🌽

Giá bắp duy trì đà tăng sang ngày thứ ba liên tiếp khi lực mua kỹ thuật tiếp tục đẩy giá đi lên. Giá kỳ hạn tháng 7 tăng 3,75 cent lên $4,33/bushel, trong khi kỳ hạn tháng 9 tăng 3 cent lên $4,21/bushel.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, tâm lý thị trường cũng được hỗ trợ mạnh bởi các đơn hàng xuất khẩu mới. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, một lô hàng 150.000 tấn đã được các nhà xuất khẩu tư nhân bán cho điểm đến chưa xác định, giao trong niên vụ 2024–2025.

Báo cáo xuất khẩu hàng tuần cho thấy lượng xuất bán cho niên vụ 2024–2025 tăng 21 triệu bushel (532.700 tấn), niên vụ 2025–2026 tăng 37 triệu bushel (940.200 tấn). Lượng xếp hàng đạt 57,7 triệu bushel, vượt mức cần thiết để đạt mục tiêu xuất khẩu USDA đề ra là 2,65 tỷ bushel. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cam kết xuất khẩu bắp đạt 2,681 tỷ bushel, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái – một con số ấn tượng phản ánh nhu cầu ổn định của thị trường thế giới đối với bắp Mỹ.

🌱 ĐẬU NÀNH 🌱

Giá đậu nành cũng ghi nhận một phiên tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường dao động trong biên độ hẹp. Giá kỳ hạn tháng 7 tăng 4,75 cent lên $10,5525/bushel, trong khi tháng 8 tăng 0,75 cent lên $10,5425. Lực mua kỹ thuật cùng với các số liệu xuất khẩu khả quan là động lực chính thúc đẩy giá trong ngày.

Các nhà xuất khẩu tư nhân đã xuất bán cho các điểm đến chưa xác định, bao gồm 226.000 tấn đậu nành giao hàng trong niên vụ 2024–2025, 195.000 tấn khô dầu đậu nành (gồm 45.000 tấn cho niên vụ 2024–2025 và 150.000 tấn cho niên vụ 2025–2026.)

Báo cáo xuất khẩu đậu nành hàng tuần đạt 17 triệu bushel (462.400 tấn) cho năm 2024–2025 và 8,8 triệu bushel (239.000 tấn) cho năm 2025–2026. Lượng xếp hàng đạt 9,2 triệu bushel, thấp hơn mức cần thiết (14 triệu). Tổng cam kết xuất khẩu đạt 1,835 tỷ bushel, tăng 12% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu Khô dầu đậu nành hàng tuần đạt 306.200 tấn cho năm 2024–2025 và 397.400 tấn cho năm 2025–2026.

Xuất khẩu Dầu đậu nành hàng tuần đạt 11.800 tấn cho năm 2024–2025, nhưng giá giảm trở lại do áp lực nguồn cung và thiếu lực mua.

Trong một thông báo gây chú ý, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam, theo đó Việt Nam sẽ không áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Theo dữ liệu từ USDA, Việt Nam hiện chiếm 5,7% tổng cam kết xuất khẩu khô dầu đậu nành, 2% tổng cam kết xuất khẩu đậu nành và 3% cam kết xuất khẩu lúa mì. Đây là một yếu tố tích cực cho triển vọng xuất khẩu đậu nành và các sản phẩm liên quan trong thời gian tới.

🌾 LÚA MÌ 🌾

Trái ngược với xu hướng tích cực của bắp và đậu nành, giá lúa mì quay đầu giảm trở lại khi lực bán kỹ thuật chiếm ưu thế, kết hợp với áp lực từ hoạt động thu hoạch ở Mỹ, châu Âu và Nga. Giá lúa mì Chicago SRW tháng 9 giảm 7,25 cent còn $5,5675/bushel, lúa mì Kansas City HRW tháng 9 giảm 6,25 cent còn $5,36/bushel.

Báo cáo xuất khẩu hàng tuần cho thấy tăng 21,5 triệu bushel (586.000 tấn) cho năm 2025–2026. Lượng xếp hàng đạt 20,3 triệu bushel, vượt ngưỡng cần thiết là 15,8 triệu bushel. Tổng cam kết xuất khẩu tới thời điểm hiện tại đạt 264 triệu bushel, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các yếu tố tiêu cực vẫn tồn tại khi tình trạng hạn hán lan rộng ở các vùng gieo trồng lúa mì, với lúa mì vụ Xuân có 29% diện tích đang chịu hạn (tăng từ mức 25%), lúa mì vụ Đông có 24% (tăng từ mức 20%). Thêm vào đó là áp lực mùa vụ toàn cầu khi Nga chỉ mới thu hoạch 1% diện tích vào đầu tháng 7 (EU và Nga chuẩn bị cung cấp nguồn cung lớn trong tháng tới).


🧭Thị trường Mỹ nghỉ giao dịch ngày 4/7 (Thứ Sáu) nhân dịp Lễ Quốc khánh.


www.qdfeed.com