Hiện Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách COVID-19, việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới rất chặt, trong đó có đường tiểu ngạch. Do đó, ngay cả khi phía Việt Nam nới lỏng kiểm soát việc xuất khẩu heo qua đường tiểu ngạch cũng chưa thể chắc chắn việc bán hàng sẽ thuận lợi.
Heo hơi Việt Nam thấp hơn Trung Quốc 32.000 đồng/kg
Mới đây, một số hiệp hội chăn nuôi đề xuất việc mở cửa xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc quan đường tiểu ngạch nhằm đẩy giá mặt hàng này lên.
Trước thông tin trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất này.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Hiện giá heo hơi của Trung Quốc cao hơn khá nhiều so với giá của Việt Nam. Tính đến ngày 22/11, giá heo hơi Trung Quốc khoảng 25 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 86.000 đồng/kg), theo dữ liệu từ trang Zhu Wang, cao hơn 32.000 đồng/kg so với giá trong nước.
Giá heo hơi Trung Quốc tăng vọt kể từ cuối tháng 8 đến nay, khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh ra thị trường để đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt heo cảnh báo rằng việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt heo tại 36 trung tâm buôn bán lớn hiện tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và do đó nằm ở mức cảnh báo thứ hai trong ba mức cảnh báo.
Chính phủ đang phản ứng với việc này bằng cách thuê nguồn dự trữ thịt heo từ bên ngoài nguồn dự trữ của nhà nước. Một số tỉnh cũng hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi heo tư nhân để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả những việc này vẫn chưa thực sự có thể ngăn đà tăng giá.
Bán heo sang Trung Quốc không còn dễ như trước
Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam nới lỏng hoạt động xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch được cho là vẫn chưa thể đảm bảo rằng việc bán hàng qua con đường này thuận lợi.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần tính toán đến mức độ khả thi của phương án này bởi việc bán heo qua đường tiểu ngạch không còn dễ như trước đây. Ngay cả khi Việt Nam chủ động nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu heo qua đường tiểu ngạch thì cũng chưa chắc bán được hàng sang Trung Quốc.
“Nếu xuất được heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch thì tốt nhưng tôi quan ngại về tính khả thi. Năm 2017, Trung Quốc quản lý lỏng lẻo việc nhập khẩu heo qua đường tiểu ngạch nên lượng hàng bán sang đây khá nhiều. Tuy nhiên, hiện nước này vẫn đang theo đuổi chính sách COVID-19, do đó, việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới rất chặt, trong đó có đường tiểu ngạch”, ông Dương nói.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dẫn số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng nhập khẩu thịt của quốc gia này giảm mạnh. Theo đó, lũy kế 9 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 5,41 triệu tấn thịt, trị giá 23,15 tỷ USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Mỹ, New Zealand, Argentina và Australia.
Còn về xuất khẩu heo hơi, heo đông lạnh theo đường chính ngạch, đây vẫn là câu chuyện xa vời bởi Việt Nam từng đàm phán với Trung Quốc cách đây nhiều năm nhưng không thành công.
Sản phẩm xuất khẩu cũng chỉ chủ yếu là heo sữa và heo choai sang các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia mà không phải các sản phẩm có thể sản xuất quy mô lớn như đông lạnh hay thịt tươi.
Nguyên nhân không phải vì doanh nghiệp không mặn mà với việc xuất khẩu mà vì hoạt động quản lý dịch bệnh vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của quốc tế.
Theo đó, để xuất khẩu heo hơi, thịt đông lạnh, Việt Nam cần có vùng chăn nuôi an toàn sinh học được OIE công nhận. Tuy nhiên, đặc tính các vùng chăn nuôi của Việt Nam là trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh khó khăn.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu nhận định thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam còn chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt heo xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng.
Nguyên nhân do những hạn chế ở khâu chế biến, dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất cũng như phòng chống dịch bệnh chưa tốt, trong khi giá thành sản xuất chăn nuôi heo ở nước ta cao so với mức bình quân trên thế giới. Do đó, giá thịt heo ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác.
Sở dĩ, giá thành nuôi heo ở Việt Nam cao do phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 – 70% cơ cấu giá thành nuôi.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3,99 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá heo hơi khó lòng phục hồi mạnh
Mặc dù không mấy lạc quan trước phương án xuất khẩu heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, ông Dương cho rằng giá heo hơi sẽ phục hồi khi sát thời điểm Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng cao.
“Tuy nhiên, mức tăng sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước lẫn nhập khẩu vẫn đang tăng lên”, ông Dương nói.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến cuối tháng 10, tổng đàn heo của cả nước tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn về nguồn cung từ nước ngoài, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý III, kim ngạch nhập khẩu các loại thịt và sản phẩm từ thịt tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 418 triệu USD.
Tính đến ngày 22/11, giá heo hơi cả nước khoảng 52.000 – 54.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với cao điểm hồi tháng 7.
Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo trong thời gian tới, giá heo hơi vẫn sẽ dao động quanh ngưỡng 50.000-65.000 đồng/kg.
Thời gian qua, giá heo hơi giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi vẫn không giảm.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết.
“Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng” Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Theo ông Dương, chi phí nuôi hiện dao động khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg. Với diễn biến giá thời gian gần đây, các doanh nghiệp quy mô lớn hoà vốn hoặc lãi nhẹ còn với các hộ dân nhỏ lẻ thì thua lỗ.
“Để cải thiện giá heo hơi, tôi cho rằng điều quan trọng nhất lúc này cần kiểm soát nhập khẩu. Bên cạnh đó, về dài hạn cần đẩy mạnh chăn nuôi heo theo hình thức liên kết, an toàn sinh học theo quy mô lớn nhằm giảm chi phí”, ông Dương nói.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)